CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ “NGHĨ BÊN BIỂN”

CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ “NGHĨ BÊN BIỂN”
CỦA NHÀ THƠ LÊ KHÁNH MAI
“Vì sao biển không nguôi vị mặn
dưới lòng sâu
quằn quại một niềm đau
loài trai biển lấy máu mình làm ngọc
nước mắt dâng lên
mặn cả địa cầu
Vì sao biển không bao giờ cạn
dẫu triều cường
thay thế triều lui
bão tố có khi nào yên nghỉ
mà ta loanh quanh trong nỗi đầy vơi.
Vì sao chẳng bao giờ biển mất
dẫu có người muốn lấp đại dương
những hòn đảo gan lì trên sóng nước
chẳng thể nào vợi được mênh mông
sẽ xoá nhoà bao điều trên trái đất
chỉ biển kia
muôn thuở mãi còn
Và anh, có như biển cả
có mặn mà để nuôi tình em
có mạnh mẽ để vượt qua bão tố
và vô biên để trọn kiếp bên nhau?”
Lê Khánh Mai
Thế hệ của chị Lê Khánh Mai là thế hệ của dòng cảm xúc
“Ghét cái nắng làm hai đứa cùng đỏ mặt”
Chứ nó không thuộc cái trào lưu cuồn cuồn cuộn cuốn xoáy, vồ vập đến và ào ạt đi như ngày nay. Có lẽ vì thế mà khát khao, day dứt, đau khổ và trường tồn của chữ YÊU nó cũng không “Nhẹ như tơ hồng” mà giới trẻ ngày nay cổ súy.
Khi “Nghĩ về Biển”, cũng như bao thời, như bao người chị hỏi
“Vì sao biển không nguôi vị mặn”
Câu hỏi có vẻ như hỏi để mà hỏi nhưng câu trả lời thì lại là một sự từng trải, sự nhạy cảm lọc vắt từ những giá trị mà muôn đời. Những cảm xúc, suy nghĩ hời hợt không thể chạm vào được
“dưới lòng sâu
quằn quại một niềm đau”
Hình như đêm trước của một sự khai sinh là bão tố, là giông bão là những gì thật dữ dội. Và từ trong mịt mờ ấy cái đau đớn, mất mát lắng lại thành giá trị bất biến
“loài trai biển lấy máu mình làm ngọc
nước mắt dâng lên
mặn cả địa cầu”
Câu thơ có thể lớn, rất lớn về nghĩa, biểu cảm, nhưng tôi là người luôn nhìn nhận mọi vấn đề từ lăng kính lãng mạn nên cứ thấy chữ yêu lúc thì lấp lánh, lúc lại tươi nguyên giọt máu hồng thổn thức, khắc khoải, quằn quại.
Biển không bao giờ hết mặn, và Biển không bao giờ cạn. Tuyệt vời quá cứ như trong ảo ảnh mịt mờ chữ TÌNH YÊU và DÂNG HIẾN cứ từ từ định hình và nóng cháy đang phả dần cái dữ dội của YÊU vào trái tim độc giả.
“Vì sao biển không bao giờ cạn
dẫu triều cường
thay thế triều lui
bão tố có khi nào yên nghỉ”
Triều cường , triều lui là bất biến, là quy luật như nhịp nhàng của tim yêu. Nhưng bão tố là muôn thuở và bất ngờ như ngọn sóng cảm xúc bất chợt dâng bởi tác động của một điều kỳ diệu nào đó. Để rồi lại hụt hẫng rơi vào cái thế giới chân không
“mà ta loanh quanh trong nỗi đầy vơi.”
Vậy là mọi thứ bị xô đổ, mọi quy luật đều trở về cái thế chênh vênh. Sự thật cuộc đời là như vậy. Thiên đường của tình yêu là như vậy. Có như vậy, ngàn đời nay, nhân loại mới chỉ định nghĩa chữ yêu theo nghĩa cơ học chứ cái nghĩa long lanh của yêu thì chỉ là nhất thời.
“Vì sao chẳng bao giờ biển mất”
Có thể hiểu hình ảnh “những hòn đảo gan lì trên sóng nước” theo đa nghĩa nhưng Tôi cứ thích luận theo cái lô gic đang có. Biển không mất vì có đảo mãi mãi gan lì trường tồn.
Vì khi đó nó thật ăn khớp với NHÂN VẬT CHÍNH hiện ra trong khổ thơ cuối.
“Và anh, có như biển cả
có mặn mà để nuôi tình em
có mạnh mẽ để vượt qua bão tố
và vô biên để trọn kiếp bên nhau?”
ĐỖ XUÂN PHONG
10 / 10 /2016