Giang hồ

GIANG HỒ
(Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt -Phạm Hữu Quang)
Để nói về chí giang hồ của nam thi sĩ, người xưa thường dùng biểu tượng “bầu rượu túi thơ” đẹp, thanh nhã. Ngày nay thì biểu tượng ấy được thay bằng hình ảnh các quán nhậu, và bia rượu trở thành nhân vật trữ tình để các nam thi sĩ dốc bầu tâm sự về thời cuộc, về thế thái nhân tình và về cái vũ trụ to đùng của riêng mình. Ngôn từ của thơ ngập lụt trong “ ma men” nên nó sương sương, khói khói, gân guốc, chói gắt và đậm đà bản sắc “pho cờ lôn” (folklore) rất chi là khẩu khí…Hậu hiện đại mà, nó có tính chất “giải thiêng”…he he…
Ấy nhưng mà nữ thi sĩ thì hổng có biểu tượng gì ráo trọi. Thơ nữ xưa thường gắn liền với khung cửi, kim chỉ, lược gương, bếp núc, thở than thân phận. Ngày nay nữ thi sĩ đã “được giải phóng”, nhưng chỉ là thay bếp củi bằng bếp gar chứ đâu dám mơ giang hồ.
Nhân vật EM trong thơ nam thi sĩ được nâng niu gọi là nàng thơ, còn nhân vật ANH trong thơ nữ thi sĩ nhiều khi bị căn vặn: “thằng nào”? Cho nên rất nhiều nữ sỹ vừa mon men chạm vào chàng thơ đã vĩnh viễn chia tay với “người tình trong mộng”, vì bị chồng đập tan cái laptop giá 10 triệu đồng hu…hu…
Đọc thơ của nữ thi sĩ, các nhà phê bình đi tìm “nữ tính” để khen, kiểu “an ủi”, mặc dù nữ tính không phải là tiêu chí nghệ thuật. Còn các nam thi sĩ muốn viết gì thì viết, không bị khen là “nam tính”…
Từ “giang hồ” mà mình nói ở đây, thực ra để chỉ cái cách mà những người sáng tác văn học tiếp cận và chiếm lĩnh thế giới về phương diện thẩm mỹ. Nếu không đi, không cảm nhận cuộc sống, làm đầy chính mình thì lấy gì để viết. Đó cũng là khát vọng và quyền chính đáng của tất cả những người cầm bút.
LÊ KHÁNH MAI