Thi pháp ca dao của người Việt ở Khánh Hòa (kỳ 2)

THI PHÁP CA DAO CỦA NGƯỜI VIỆT Ở KHÁNH HÒA (Kỳ 2)
ThS. Lê Khánh Mai
2.3.2. Ngôn ngữ
Nói đến thi pháp ca dao trước hết phải nói đến phương tiện chủ yếu của ca dao, tức là ngôn ngữ. Bởi vì ca dao là phần lời của dân ca, các yếu tố nhạc điệu, động tác có vai trò rất quan trọng trong dân ca, còn ở phần lời thơ thì vai trò chủ yếu thuộc về ngôn ngữ, các yếu tố khác đều trở thành thứ yếu. Chính vì vậy mà ca dao có khả năng sống độc lập ngoài ca hát (tức là ngoài sự diễn xướng tổng hợp của dân ca) và trở thành nguồn thơ trữ tình dân gian truyền thống lâu đời và phong phú nhất của dân tộc…Tìm hiểu đặc điểm ngôn ngữ trong ca dao truyền thống cần chú ý đến …ngôn ngữ ca dao với tiếng địa phương; Ngôn ngữ ca dao với chức năng và phương thức nghệ thuật của ca dao” [ 11, tr. 209]
Chuyên đề này khảo sát ngôn ngữ ca dao của người Việt ở Khánh Hòa trên cơ sở tìm hiểu, phân tích những đặc điểm ngôn ngữ liên quan đến tiếng địa phương Khánh Hòa và các phương thức nghệ thuật có giá trị biểu đạt những nét riêng của tâm hồn tính cách người Khánh Hòa.
2.3.2.1. Tên địa danh
Địa danh Khánh Hòa được nhắc đến trong ca dao với tần số cao. Theo thống kê của chúng tôi, trong số 750 lời ca dao Khánh Hòa có 115 lần sử dụng tên địa danh, chiếm tỷ lệ 14 %. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với con số thống kê tên địa danh trong ca dao người Việt trên toàn quốc chỉ chiếm 8,4% [5, tr. 132] .
Tên địa danh trong ca dao Khánh Hòa thể hiện những chức năng định danh như sau:
+ Tên tỉnh, thành phố, thị xã, thị trấn, huyện lỵ, xã, thôn làng:
Khánh Hòa, Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Vạn Gĩa, Tu Bông, Bảy Giếng, Đồng Hương, Đồng Cháy, Hòn Khói, Diên Khánh, Diên Đồng, Diên Phước, Diên Sơn, Phú Ân, Xóm Bóng, Sinh Trung, Chụt…
+ Tên núi, hòn, đèo, mũi, vũng, đầm, sông, biển:
– Núi Bà, núi Chúa, núi Một, núi Ổ Gà, núi Dinh Ông
– Hòn Bà, hòn Chồng, hòn Chão, hòn Chữ, hòn Dữ, hòn Dù, hòn Dung, hòn Đỏ, hòn Hèo, hòn Lao, hòn Lớn, hòn Ngang, hòn Nội, hòn Yến…
– Đèo Cả, Đèo Cổ Mã, đèo Dốc Thị, đèo Rù Rì, mũi Nạy, mũi Điện..
– Biển Đông, biển Cù, vịnh Nha Trang, vịnh Vân Phong, đầm Thủy Triều, đầm Ô Rô, sông Dinh, sông Cái…
+Tên những địa điểm thực hiện sinh hoạt văn hóa xã hội, sản vật
-Tháp Bà, Miếu Bà, Chùa Kỳ, Tháp Bút, Lăng Bà Vú, chợ Nha Trang, chợ Thành, chợ Dinh, chợ Đồng Cọ…
– Yến sào Nha Trang, yến sào Hòn Nội, trầm hương Vạn Gĩa, thơm Vạn Gĩa, gốm Vạn Bình, nem Ninh Hòa, vịt Ninh Hòa, muối Hòn Khói, mây hòn Hèo, heo Đất Đỏ, khoai lang hòn Chúa, đậu phụng hòn Dung, tôm hùm Bình Ba, nai khô Diên Khánh, cá trầu Võ Cạnh, sò huyết Thủy Triều, chiếu Cù Du, lãnh Ngân Sơn….
+ Tên địa danh gắn với những nhân vật huyền thoại, nhân vật lịch sử
Thiên Y A Na Thánh Mẫu, Bà Pô Na Ga và những sĩ phu ứng nghĩa phong trào Cần Vương chống Pháp như Trịnh Phong, Trần Đường, Nguyễn Khanh, Nguyễn Lương, Phạm Chánh, Nguyễn Sum, Phạm Long…
Những địa danh nêu trên đây là nơi diễn ra cuộc sống lao động, đấu tranh,
sinh hoạt văn hóa tinh thần, gắn với tình yêu, tình chồng vợ, tình người, cho thấy ngôn ngữ ca dao Khánh Hòa mang đậm bản sắc địa phương. Nó cũng chứng tỏ Khánh Hòa là một vùng đất có nhiều địa danh nổi tiếng với phong cảnh đẹp, sản
vật phong phú và con người Khánh Hòa có tình yêu tha thiết, sâu nặng, niềm tự hào về quê hương, đất nước.
2.3.2.2. Từ ngữ địa phương
Ca dao Khánh Hoà sử dụng những từ ngữ thuộc vốn từ địa phương. Qua đó sắc thái hóa ngôn ngữ, lời ăn tiếng nói của người Khánh Hoà.
Dưới đây là bảng thống kê một số từ ngữ địa phương Khánh Hòa xuất hiện nhiều trong ca dao trên cơ sở so sánh với ngôn ngữ toàn dân:

Từ ngữ địa phương
Khánh Hòa trong ca dao Ngôn ngữ toàn dân
ảnh anh ấy
bả bà ấy
cổ cô ấy
ổng ông ấy
qua ta, tôi (đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất)
bậu bạn (đại từ nhân xưng ngôi thứ hai)
bể vỡ
hông, khổng không
miểng mảnh
đửng đừng
dìa về
vô vào
dơ bẩn
mược mặc kệ
hồi khi, lúc
trỏng trong ấy
ngoải ngoài ấy
dong bỏ đi
đươn đan
coi, ngó nhìn, trông, xem
trông mong
in giống y, đúng y
bữa nay hôm nay
hổm rày mấy hôm nay
chưn chân
đành đồng ý
đụt trú
uổng phí
chận bò Chăn bò

Ví dụ từ ngữ địa phương Khánh Hòa được sử dụng trong ca dao:
– Anh thương em dưới dốc thương lên
Đá lăn mược đá miễn thương bền thì thôi

– Xưa kia lời nói cũng in
Hoa tàn nhị rữa cũng nhìn hổng dong
Bây giờ nhị rữa hoa tàn
Con thơ trìu mến sao chàng vội dong

– Anh ơi anh đửng ngậm ngùi
Một căn hai nợ anh ừ cho xong
Hồi thương nước đục cũng trong
Hồi ghét nước chảy giữa dòng cũng dơ…

– Anh dìa ở ngoải chi lâu
Chiều chiều em đứng hàng dâu ngó chừng
Hai hàng nước mắt rưng rưng
Chàng xa thiếp cách dậm chưn kêu trời
Vắn hơi kêu khổng tới trời
Nghĩa ra đằng nghĩa, duyên rời đằng duyên

– Qua ngồi đụt mưa trong chòi đất Hộ
Nhìn ra thấy bậu đứng đó chận trâu
Qua đây đã sẵn có trầu
Rủi quên đem dún, đem cau để dùng
Em bậu có dún cau không
Trầu qua mang đến mình nhai chung cho ấm lòng

– Ngó ra Hòn Chữ thêm phiền
Uổng ơi là uổng lời nguyền năm xưa
Những ví dụ trên đây sử dụng khá nhiều từ ngữ địa phương, thậm chí trong
một lời ca dao có thể xuất hiện từ 1 đến 8 từ ngữ địa phương. Đây cũng là một trong những cơ sở giúp cho việc xác định những lời ca dao này được sáng tác hoặc lưu truyền ở Khánh Hòa, vừa có nét riêng, vừa có những nét tương đồng về ngôn ngữ của vùng đất Nam Trung bộ, một yếu tố quan trọng của bản sắc văn hóa vùng miền.
2.3.2.3 Ngôn ngữ giàu khả năng biểu đạt
Ngôn ngữ ca dao vốn là lời ăn tiếng nói của người bình dân, nhưng mỗi vùng đất có cách diễn đạt riêng, tạo nên nét khác biệt. Ngôn ngữ trong ca dao Khánh Hòa về cơ bản là bình dị, mộc mạc, như lời ăn tiếng nói thường ngày nhưng được chọn lọc và sáng tạo làm nên tính độc đáo và có khả năng biểu đạt phong phú hiện thực đời sống và tâm hồn con người.
Một trong những đặc điểm tiêu biểu của ngôn ngữ bình dân trong ca dao Khánh Hòa là sử dụng hàng loạt những từ láy chỉ hành động, màu sắc, đường nét, âm thanh, tính chất của người và sự vật, sự việc một cách khéo léo, tinh tế và ám ảnh.
Anh đi lạc xạc lài, lài xài
Dây lưng không buộc, buộc vài sợi mây.
những từ lạc xạc, lài xài là ngôn ngữ “cửa miệng” nhưng lại có khả năng diễn tả rất thực và sinh động tướng đi một người đàn ông, làm hiện rõ tính cách lật đật, cẩu thả, trễ nải, áo quần xộc xệch, bước chân lê lết, xiêu vẹo. Đây cũng là hình ảnh tiêu biểu cho một “kiểu người” ở nông thôn, được ca dao nói đến với ngầm ý nhắc nhở, phê phán nhẹ nhàng.
Cũng là “đi”, nhưng anh thợ mộc lại khác: Ai đi xọt xẹt qua rào/ phải anh thợ mộc quảy bào, quảy cưa. Anh thợ mộc đi qua làng và gánh đồ nghề cồng kềnh của anh chạm vào hàng rào, phát ra những âm thanh “xọt xẹt” quen thuộc, vui tai. Hình ảnh ấy gợi lên một khung cảnh làng quê yên ả, với những sinh hoạt
đời thường rất đỗi thân thương.
Từ láy tượng thanh còn được sử dụng trong nhiều trường hợp rất độc đáo: “Trời mưa lợp bợp lá dừa/ Bợp cho ra bợp anh chừa đi đêm”. Tiếng mưa rơi lợp bợp (lộp bộp) nhặt thưa một cách nửa vời, ỡm ờ, đỏng đảnh trêu ngươi.
Mới hay, con người từ thuở xa xưa luôn khao khát tình yêu, nhưng phải là tình yêu thật sự chân thành, nồng nàn và mãnh liệt.
Có những âm thanh phát ra từ công cụ lao động, lặp đi lặp lại ngỡ như nhàm chán, cũng mang tâm trạng buồn tương tư của người đang yêu: Ngồi buồn xe chỉ vá may/ Khung cửi kêu khúc khắc, dạ em đây càng buồn.
Cảnh ngộ trớ trêu của cặp vợ chồng, khi người vợ ngoại tình cũng được diễn
tả một cách bình dị mà hài hước:“Đêm nằm nó tình ý láng lai/ Bỏ anh trên võng xài lai một mình”.
Màu sắc mái ngói của nhà giàu qua cái nhìn của cô gái cũng rất lạ: Ngó lên nhà ngói sẫm sờ/ Ngói thì mặc ngói thiếp cũng chờ nhà tranh”. Và cô gái khẳng định sự lựa chọn của mình: chọn nhà tranh chứ không chọn nhà ngói, chọn tình yêu chứ không chọn giàu sang. Đó cũng là quan niệm tốt đẹp về hạnh phúc của truyền thống đạo lý nhân dân.
Và đây là cái nhìn của tình yêu chứa đựng bao nhiêu yêu thương, nhớ nhung,
say đắm sau những ngày xa cách: “Em gặp anh đây nhìn sững nhìn sàng/ Nhìn không kịp hỏi hai hàng thấm bâu”.
Một trạng thái tình cảm thông thường của con người như niềm vui trước cái mới nhưng mong manh, ngắn ngủi, trôi qua bất ngờ để lại cảm giác buồn ngơ ngẩn và dư âm tiếc nuối: “Xùng xình áo lụa mới may/ Hôm qua còn mặc hôm nay mất rồi”.
Bên cạnh những câu ca dao ngôn ngữ mộc mạc, dân dã rất có duyên, ca dao Khánh Hòa cũng có những câu đẹp, tinh xảo, thể hiện sự trau chuốt ngôn từ, mang dáng dấp của trình độ nghệ thuật bác học, thể hiện chiều sâu thế giới tâm hồn con người.
– Gươm linh sút cán còn trành
Bình hương dẫu bể miểng sành còn thơm

– Ngọn gió lay phàng phất hương trầm
Mây giăng hòn Chão, trăng dầm bến ngâm

– Ngó lên trăng chếch bóng nghiêng
Chơi chung với bạn, buồn riêng một mình
– Bữa nay buồn đã quá nhiều
Tỷ như chim nhạn bay liều trong mây

– Khánh Hòa là xứ Trầm Hương
Non cao biển rộng người thương đi về

– Đời anh cay đắng đã nhiều
Về đây ngọt sớm ngon chiều với em
Có thể nói ngôn ngữ ca dao Khánh Hòa, ngoài những nét tương đồng với ngôn ngữ nam Trung bộ còn có những nét riêng biệt, sáng tạo, đa dạng và sinh
động đã góp phần sắc thái hóa ngôn ngữ địa phương Khánh Hòa.
2.4. Thời gian, không gian nghệ thuật
2.4.1. Thời gian nghệ thuật
Likhachop, nhà nghiên cứu thi pháp văn học cổ Nga cho rằng: “Trong thơ ca dân gian, tác giả với tư cách là một cá thể, một cái tôi trữ tình không được biểu lộ ra. Đây chính là tính chất độc đáo của việc thơ ca dân gian thể hiện thời gian. Do sự vắng mặt của tác giả với tư cách là người đầu tiên sáng tạo ra văn bản, lời ca, ở đây không có khoảng cách giữa thời gian của tác giả và thời gian của người đọc như trong văn học viết, trong thơ bác học. Trong thơ dân gian, thời gian của tác giả và thời gian của người đọc (người thưởng thức) hòa lẫn với thời gian của người diễn xướng. Thời gian ở đây là thời gian hiện tại”. [5, tr. 289 -290]. Điều này khác với thời gian trong truyền thuyết và truyện cổ tích luôn là thời gian quá khứ.
Thời gian trong ca dao Khánh Hòa cũng như trong ca dao Việt Nam nói chung hầu hết đều lấy thời gian hiện tại, thời gian diễn xướng làm thời gian nghệ thuật cho sáng tạo.
Nếu như trong ca dao Bắc bộ, thời gian thường được diễn đạt bằng những từ: hôm qua, hôm nay, đêm qua, đêm nay, đêm đêm, sáng ngày, sớm, trưa, bấy, giờ…. “Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen”; hay: “Đêm qua ra đứng bờ ao/ Trông cá, cá lặn, trông sao, sao mờ”; “Sáng ngày em đi hái dâu/ Gặp hai anh ấy ngồi câu thạch bàn”… thì trong ca dao Khánh Hòa, thời gian được biểu hiện trực tiếp bằng các từ: hồi, hồi nào, khi xưa, bữa nay, bây
giờ, đầu hôm, chiều chiều, hổm rày, chầu rày, một mai…
Thời gian trong ca dao Khánh Hòa được biểu đạt ở một số công thức như sau:
+ Thời gian hiện tại, với sự xuất hiện những từ bữa nay, bây giờ:
– Bữa nay sao bậu không vui
Hay là bậu thấy ghe lui bậu buồn

– Bữa nay tỏa rạng hào quang
Có vừng mây bạc giăng ngang nửa chừng

– Bữa nay buồm giựt, neo dời
Anh ơi bớt ngủ nghe lời em than
Thời gian được biểu đạt trong những lời ca dao trên đây là thời gian ở thời điểm nhân vật trực tiếp bày tỏ những tâm trạng (thời gian diễn xướng
+Thời gian đối lập hiện tại với tương lai, với sự xuất hiện cặp từ bữa nay- ngày mai, hôm nay – ngày mai
Bữa nay anh gối tay nàng
Ngày mai ra biển anh gối đàn dây neo
Bữa nay – ngày mai là cặp từ nếu đứng độc lập thì nó có nghĩa chỉ thời hiện tại và tương lai, nhưng trong câu ca dao này nó được sử dụng cho lời nói của nhân vật trữ tình, trong một không gian cụ thể, hoàn cảnh cụ thể. Đó là lời người chồng nói với người vợ về tình cảm yêu thương, quyến luyến tổ ấm gia đình của mình trước khi ra biển đối mặt với sóng gió hiểm nguy. Do đó, thời gian được diễn tả trong câu ca dao này là thời gian hiện tại mang dự cảm tương lai.
+ Thời gian đối lập hiện tại với quá khứ, với sự xuất hiện của cặp từ: hồi nào- bây giờ, xưa kia- bây giờ
– Hồi nào bậu nói bậu đành
Bụi tre bậu nói để dành đươn nong
Bây giờ bậu nói bậu không
Bụi tre ta biết đươn nong cho ai nằm

– Xưa kia lời nói cũng in
hoa tàn nhị rữa cũng nhìn hổng dong
Bây giờ nhị rữa hoa tàn
Con thơ trìu mến sao chàng vội dong
Bằng sự hồi tưởng người bình dân đã tái hiện những sự việc diễn ra trong quá khứ với ý nghĩa so sánh đối lập với sự việc trong hiện tại, nhằm nhấn mạnh sự thay đổi về hoàn cảnh, hay trạng thái tâm hồn tình cảm của con người. Qua đó bộc lộ tiếng nói trữ tình.
Những từ chỉ thời gian trên đây được sử dụng nhiều lần, với nhiều dạng khác nhau đã nói lên tính chất công thức khi miêu tả thời gian trong ca dao. Ngay cả khi những từ chỉ thời gian không xuất hiện thì thời gian ấy vẫn là thời gian hiện tại. Bởi vì thời gian trong ca dao không phải là thời gian của hiện thực khách quan, không phải thời gian tuân theo quy luật tự nhiên mà là thời gian mang tính chủ quan của con người, hay còn gọi là thời gian tâm lý. “Yêu nhau chưa ráo mồ hôi/ Chưa tan buổi chợ đã rời nhau ra”. Trong câu ca dao này không có từ chỉ thời gian, chỉ có những hình ảnh mang ý nghĩa thời gian “chưa ráo mồ hôi”, “chưa tan buổi chợ”, diễn tả trạng huống của một mối tình ngắn ngủi, kết thúc chóng vánh.
Trần Thị An đã rất đúng khi nhận xét về thời gian trong ca dao: “ Ở đây thời
gian cá nhân riêng biệt, thời gian khách quan, thời gian xã hội bị nhạt nhòa. Tính chất công thức, ước lệ là đặc điểm nổi bật trong việc tác giả dân gian miêu tả thời gian. Ngay cả khi người bình dân đưa ra những con số có vẻ cụ thể thì thời gian ở đây cũng không phải là một đại lượng chính xác” [5, tr. 295]
Rất nhiều lời ca dao được mở đầu bằng từ láy “chiều chiều”
– Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ người dệt gấm khăn điều vắt vai

– Chiều chiều én liệng về kênh
Ếch kêu giếng lạnh thảm tình đôi ta

– Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Ngó lên mả mẹ ruột đau hơn giần

– Chiều chiều đứng ngõ mà trông
Ngõ thì thấy ngõ mà không thấy người
Chiều chiều là thời gian ước lệ, không xác định một buổi chiều cụ thể nào. Nó gồm rất nhiều buổi chiều khác nhau lặp đi lặp lại trong thời gian, không gian vô tận. Chiều chiều cũng là thời gian của tâm trạng. Sau một ngày làm việc, những tất bật lo toan nhường chỗ cho sự lắng lại của tâm hồn. Đó cũng là thời gian của nỗi nhớ nhung, đau buồn, thanh lọc những cảm xúc đời thường.
Thời gian trong ca dao hoàn toàn mang tính chủ quan do nhân vật tưởng tượng và hư cấu:
– Đêm nằm tơ tưởng tưởng tơ
Chiêm bao thấy bậu, dậy sờ chiếu không

– Uổng công anh đào ao thả cá
Năm bảy tháng rày nẫu lạ đến câu

– Hổm rày gạo mới xuống nia
Chào người quân tử xuống hò khuya một mình

– Chàng về Hòn Khói chi lâu
Đồng Hương thiếp dựa hàng cau trông chừng

– Chừng nào cau nọ lớn lên
Trầu kia ra lá thì nên vợ chồng
Các từ chỉ thời gian: Đêm, năm bảy tháng rày, hổm rày, lâu, chừng nào trong những ví dụ trên đây không mang giá trị như những đơn vị đo đếm thời gian cụ thể, mà là sản phẩm của trí tưởng tượng của người bình dân biến nó thành phương tiện biểu đạt những trạng thái tâm lý, tình cảm trong những hoàn cảnh khác nhau.
2.4.2. Không gian nghệ thuật
Không gian nghệ thuật gắn với cảm thụ về không gian nên nó mang tính chủ quan. Ngoài không gian vật thể có không gian tâm tưởng…Do vậy không gian nghệ thuật có tính độc lập tương đối, không quy được vào không gian địa lý. [2, tr.160]. Không gian nghệ thuật là môi trường hoạt động của nhân vật, nơi xảy ra hành động. Trong văn học, hình tượng không gian ngoài ý nghĩa thực nhiều khi còn mang tính chất tượng trưng. [12, tr. 88]
Như vậy, không gian nghệ thuật gồm không gian thực tại (còn gọi là không
gian địa lý, không gian vật lý, không gian vật thể) tức là không gian tồn tại khách quan và không gian tưởng tượng mang tính chủ quan.
Không gian thực tại khách quan trong ca dao Khánh Hòa bao gồm những hình ảnh thiên nhiên, như: núi, hòn, đèo, mũi, vũng, đầm, sông, biển, bến, bãi, tháp, miếu, đình, chùa, quê hương, làng mạc, ruộng vườn… Là môi trường lao động, sinh hoạt văn hóa rất đỗi bình dị, quen thuộc, gắn bó, thân thiết của người bình dân.
Trong cái không gian thực tại khách quan ấy con người cùng nhau dãi dầu sương gió để làm nên mùa màng; cùng chống chèo trong bão táp, mưa sa đi khơi, đi lộng, vui buồn cùng con tôm con cá, cùng hát hò đối đáp những đêm trăng, cùng vây quanh chiếu bài chòi quên đi bao nỗi nhọc nhằn….Đó cũng là nơi các chàng trai cô gái gặp gỡ trao tình, hẹn thề để nên duyên chồng vợ, hoặc đổ vỡ chia ly, thở than, sầu khổ…làm nảy sinh cái không gian tưởng tượng, không gian tâm tưởng mang tính chủ quan.
Thiên nhiên Khánh Hòa vốn kỳ vỹ và khoáng đạt với “non cao biển rộng”, nên trong ca dao Khánh Hòa có những hình ảnh không gian địa lý rộng lớn: “Ngó lên trời, trời cao lồng lộng/ Ngó xuống biển, biển rộng mênh mông” .Không gian càng rộng lớn, con người càng thấm thía sự nhỏ bé, cô đơn. “Ngó ra ngoài biển mù mù”, “Ngó ra Hòn Lớn Tăm tăm”, “Ngó lên trời từng cao, từng thấp/ Ngó xuống biển lạch cạn, lạch sâu”…
Ca dao Khánh Hòa cũng như ca dao nam Trung Bộ có nhiều câu diễn tả động thái ngó lên, ngó xuống, ngó vô, ngó ra, ngó qua, ngó lại…..Chắc hẳn đây không phải là sự cụ thể hóa tầm nhìn, hướng nhìn địa giới, mà là cái cớ để người bình dân bộc lộ tâm trạng vui buồn, yêu thương, hờn giận, hạnh phúc, khổ đau và niềm trắc ẩn sâu xa mà không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng thốt nên lời.
– Ngó lên trên động phi lao
Thấy mồ của mẹ như dao cắt lòng

– Ngó lên trời thấy đám mây xanh
Ngó xuống dưới biển chiếc thuyền mành đung đưa
Em gặp anh đứng bóng ban trưa
Rưng rưng nước mắt tay đưa miếng trầu
Qua các ví dụ nêu trên, ta thấy không gian vật lý và không gian tâm lý có mối liên hệ mật thiết với nhau. Khung cảnh thật của thiên nhiên, sự vật có vai trò tác động khách quan, gợi cảm hứng, khiến nhân vật có nhu cầu giãi bày, chia sẻ những tâm tư thầm kín, tạo nên không giam tâm trạng, không gian chủ quan.
Bên cạnh không gian thiên nhiên, không gian vật lý, trong ca dao Khánh Hòa còn có không gian xã hội, không gian văn hóa, không gian gia đình với những mối quan hệ phong phú đa chiều giữa con người với con người.
– Ai ra Vạn Gĩa nhắn ả bán thơm
Thế gian lắm miệng lắm mồm
Nói đông thì ngọt, nói nồm thì chua
Thôi đừng uổng tiếng hơn thua
Gắng sao bán được đầu mùa là hay.

– Ai về Xóm Bóng quê nhà
Hỏi thăm điệu múa dâng Bà còn không
– Ai làm bát bể cơm rơi
Dĩa nghiêng cá đổ rã rời đôi ta

– Anh thương em cha mẹ không thương
Nước kia muốn chảy mà mương không đào

– Đất Hòn Ngang chưa mưa đã rã
Gái Hòn Ngang chưa gả đã theo
Thò tay ngắt ngọn dưa leo
Để anh đi cưới đừng theo họ cười
Thông qua việc phản ánh các mối quan hệ xã hội, ca dao Khánh Hòa đã thể
hiện quan niệm của người bình dân về các vấn đề xã hội và sự nhìn nhận những giá trị của cuộc sống
– Khó mà biết lẽ biết lời
Biết ăn biết ở hơn người giàu sang

– không chuông mõ đánh um sùm
Có chuông mõ núp sau lùm lá đa

– Vàng sa xuống nước vàng chìm
Anh sa lời nói kiếm tìm không ra
Tóm lại, thời gian nghệ thuật trong ca dao Khánh Hòa cũng như ca dao của người Việt nói chung là thời gian hiện tại, thời gian diễn xướng. Thời gian ấy không phải là một đại lượng chính xác để đo đếm mà chủ yếu là thời gian tâm lý mang tính công thức ước lệ. Không gian nghệ thuật trong ca dao Khánh Hòa là không gian thiên nhiên, không gian xã hội gần gũi, quen thuộc với đời sống lao động, sinh hoạt của người bình dân. Tuy nhiên, bên cạnh không gian trần thế, bình dị đời thường như các vùng miền khác, Khánh Hòa có không gian địa lý kỳ vỹ, khoáng đạt với tầm nhìn cao, xa, rộng. Đặc điểm này đã góp phần tạo nên không gian tưởng tượng, không gian tâm trạng phong phú, với những nét riêng độc đáo của ca dao Khánh Hòa. Thời gian nghệ thuật và không gian nghệ thuật có quan hệ chặt chẽ, tác động, chi phối lẫn nhau trong cảm quan sáng tạo của người bình dân.
Kết luận
Thuộc phạm trù nghiên cứu thi pháp chuyên biệt, thi pháp ca dao nói chung gồm nhiều vấn đề rộng lớn. Trong khuôn khổ nghiên cứu thi pháp ca dao địa phương Khánh Hòa, chuyên đề này đã tập trung nghiên cứu chỉ ra những đặc điểm cơ bản của thi pháp ca dao truyền thống, như thể thơ, kết cấu, hệ thống hình ảnh biểu tượng, ngôn ngữ, thời gian và không gian nghệ thuật được biểu đạt trong ca dao Khánh Hòa. Coi đó như phương tiện để đi sâu tìm hiểu, xác định những đặc điểm nội dung và nghệ thuật của ca dao của vùng đất này, nơi chứa đựng những giá trị văn hóa tinh thần quý báu về tâm hồn tính cách và những truyền thống tốt đẹp, mang bản sắc văn hóa người Việt ở Khánh Hòa trong 360 năm qua.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1- Chu Xuân Diên (1981) Về việc nghiên cứu thi pháp văn học dân gian, Tạp chí Văn học, Hà Nội.
2- Lê Bá Hán – Trần Đình Sử – Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên), (2004), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
3- Đinh Gia Khánh (chủ biên), Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn (2005), Văn học dân gian Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
4- Nguyễn Xuân Kính (2012), Một nhận thức về văn học dân gian Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
5- Nguyễn Xuân Kính (2004), Thi pháp ca dao, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
6- Trần Việt Kỉnh (2006), Văn hóa dân gian Khánh Hòa vài nét đặc trưng, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
7- Bùi Mạnh Nhị (1984), Ca dao Nam bộ, Nxb Tp. Hồ Chí Minh.
8- Nhiều tác giả (2003), Địa chí Khánh Hòa, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội
9- Vũ Ngọc Phan (1978), Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
10- Quách Tấn (1992), Xứ Trầm Hương, Nxb Tổng hợp Khánh Hoà
11- Hoàng Tiến Tựu (1998), Văn học dân gian Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội
12- Lê Ngọc Trà (2007), Văn chương, thẩm mỹ và văn hóa, Nxb Giáo dục, Tp HCM.