GA HƯƠNG CANH

GA HƯƠNG CANH
LÊ KHÁNH MAI
Hồi tôi bé xíu tôi sống với má ở ga Tiên Kiên tỉnh Phú Thọ, còn Ba tôi lúc ấy công tác tại ga Hương Canh tỉnh Vĩnh Phúc. Năm tôi lên 6 Má gửi tôi theo các chú trên tàu đến ga Hương Canh thăm ba tôi. Từ Tiên Kiên đến Hương Canh phải qua 5 ga: Phủ Đức, Việt Trì, Bạch Hạc, Hướng Lại, Vĩnh Yên. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất tôi đến ga Hương Canh, bởi sau đó Ba tôi lại chuyển công tác về một ga khác. Ba má tôi đều là cán bộ miền Nam tập kết ra Băc. Ba tôi làm việc trong ngành đường sắt. Cuộc đời ông gắn liền với những nhà ga, mà toàn là ga xép…. Ký ức tuổi thơ của tôi mang nặng nỗi buồn ga xép, một nỗi buồn thân phận nhỏ bé mong manh, cô độc luôn ấp ủ khát vọng về một chân trời rộng lớn. Ga Hương Canh cũng hiu hắt như ga Tiên Kiên. Những con tầu đi qua rất ít khi dừng lại, sân ga thi thoảng mới xuất hiện vài bóng người lầm lũi, ưu tư.
Nhìn thấy tôi, đôi mắt ba ánh lên một niềm vui rạng rỡ như thể tôi là một đoàn tàu chở đầy hành khách vừa dừng lại trên đường ray. Ông ôm tôi vào lòng hôn lên mái tóc khét mù nắng gió Trung Du của tôi. Đó cũng là những giây phút hiếm hoi trong cuộc đời tôi, bởi năm tôi lên 10 đã không còn Ba nữa.
Ba sống trong căn nhà tập thể có 2 dãy giường cá nhân. Nói là giường nhưng đó chỉ là những tấm phản gỗ, 2 đầu kê lên 2 cái đôn. Mọi đồ vật trong căn phòng đều đơn sơ giản tiện: mùng đơn, chăn đơn, chiếu đơn, và 1 cái ca sắt để uống nước. ở đây tuyệt nhiên không có dấu hiệu của cuộc sống gia đình. Đến bữa ăn Ba mang về phòng 1 suất cơm tiêu chuẩn tập thể, gồm 1 đĩa cơm, 1 tô canh rau, 1 cái đĩa nhỏ hơn và hơi sâu đựng 1 miếng thịt bằng ngón chân cái lõng bõng trong nước. Ba xới cơm, gắp miếng thịt độc nhất vào chén của tôi, còn Ba thì ăn cơm với canh rau. Tôi nhớ rằng lúc ấy tôi đã ăn cơm ngon lành và vô cùng sung sướng.
Phải rất nhiều năm sau tôi mới hiểu, mới đau về cuộc đời của bậc sinh thành. Trong kháng chiến Ba tôi hoạt động trên chiến khu, má tôi tham gia Hội phụ nữ, xây dựng cơ sở cách mạng và xay lúa giã gạo chuyển lên núi. Đến khi lập gia đình do hoàn cảnh công tác ba má tôi mỗi người một nơi. Rồi tập kết ra Bắc cũng vẫn tiếp tục cảnh vợ chồng Ngâu. Mấy chị em tôi đi học mỗi người sơ tán một nơi, hầu như không được hưởng cuộc sống gia đình ấm áp bên cha mẹ….Chúng tôi như cỏ dại tự lớn lên, như đất đá lăn lóc nơi này nơi kia… thèm khát biết bao những bữa cơm có cha có mẹ….
Bây giờ ngồi viết những dòng về ga Hương Canh, nước mắt tôi lại trào ra nóng hổi.