GIỌNG BẮC

GIỌNG BẮC
LÊ KHÁNH MAI
Tôi được má đưa ra Bắc khi mới vài tháng tuồi. Vì chưa đủ tuổi đi học nên tôi không được vào trường Học sinh miền Nam ở Hải Phòng như người chị ruột mà được gửi vào nhà trẻ nơi má làm việc. Khi tôi bập bẹ những tiếng đầu tiên ai cũng bật cười vì tôi nói tiếng Bắc y như các cô bảo mẫu. Từ đó giọng Bắc trở thành giọng nói “bản sắc” của tôi cho đến tận bây giờ. Nhớ hồi tôi 2 – 3 tuổi, các chú trong cơ quan của má thường nói giỡn “Con nhỏ này nói rặc tiếng Bắc, mai mốt thống nhất về Nam, không cho nó qua cầu Hiền Lương”. Lúc ấy tôi tưởng thật, sợ lắm. Rồi tôi học tập trưởng thành trên đất Bắc.
Năm 1975 tôi là người đầu tiên trong gia đình được trở về quê. Tôi vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm và được phân công về Nam dạy khóa học đầu tiên sau giải phóng. Chưa có tàu Thống Nhất, tôi cùng đoàn giáo viên đi tàu lửa đến ga Vinh, rồi đi xe đò từ Vinh về Nha Trang. Bến xe Vinh ngày ấy rất nhộn nhịp, tấp nập. Những những đoàn người, đoàn xe vào Nam, ra Bắc không ngớt. Tôi đã không thể kìm được nỗi xúc động khi nghe các bác tài xế nói giọng miền Nam y hệt như ba má tôi. Nước mắt tôi lặng lẽ trào ra suốt chặng đường dài trên chuyến xe đò cũ kỹ chạy như bão táp. Tôi thương ba tôi cả cuộc đời ao ước có ngày hôm nay nhưng ông đã không còn cơ hội được trở về. Chợt nhớ câu chuyện ngày thơ bé, tôi hỏi Bác tài xế: Bác ơi khoảng mấy giờ thì xe qua cầu Hiền Lương ạ. Bác nói: Dạ, chắc xế chiều mới tới. Nghe tiếng “Dạ” của bác, lòng tôi nhói lên một tình thương ruột rà máu mủ. Bác đáng tuổi cha tôi, mái tóc bạc lơ phơ trong gió. Tôi không dám chợp mắt vì sợ không được nhìn thấy cầu Hiền Lương. May thay tôi đã được nhìn thấy chiếc cầu lịch sử ấy trước khi trời tối. Chiếc cầu mà lẽ ra năm 1956 nó đã không còn là giới tuyến cắt chia, nhưng rồi phải 20 năm sau…Chiếc cầu đã khiến gia đình tôi và bao gia đình miền Nam tập kết ra Bắc đã nói hai giọng nói khác nhau Bắc và Nam. Có biết bao câu chuyện, bao cảnh ngộ buồn vui, bi kịch bắt đầu từ chiếc cầu này…