Từ một sự kiện ngẫm về văn chương

TỪ MỘT SỰ KIỆN… NGẪM VỀ VĂN CHƯƠNG
LÊ KHÁNH MAI
Hơn một tháng qua kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, 90 triệu người Việt Nam dù ở trong nước hay ở nước ngoài đều chung một tấm lòng hướng về Tổ quốc thân yêu, chung một tiếng nói quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng. Đã lâu chúng ta mới lại sống trong một không khí căng thẳng sôi động, hừng hực tinh thần yêu nước như thế. Đây là một tình cảm lớn, một cơ hội cho sáng tác văn học. Mặc dù văn chương luôn phản ánh hiện thực, nhà văn là thư ký trung thành của thời đại, nhưng qui luật sáng tạo văn chương vô cùng khắc nghiệt. Truớc một sự kiện nào đó, báo chí có thể lên tiếng cấp thời, nhưng văn chương thì lại cần có một độ lùi thời gian để nghiền ngẫm, thẩm thấu hiện thực.
Tuy vậy những ngày qua thơ ca đã chứng tỏ là một thể loại văn học có vai trò xung kích nhanh nhạy trước một sự kiện liên quan đến vận mệnh đất nước. Chỉ trong một thời gian ngắn hàng loạt bài thơ đã ra đời, đăng tải trên các báo tạp chí Trung ương và địa phương và rất nhiều trang mạng internet. Người đọc như được tiếp thêm tinh thần, sức mạnh và ý chí quyết tâm chống chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc, khẳng định chủ quyền và khí phách Việt Nam. Nhiều bài thơ đã nhắc lại cội nguồn Âu Cơ, Lạc Long Quân và lịch sử hào hùng hàng ngàn năm giữ nước của dân tộc. Là người đọc đồng thời là người cầm bút, tôi rất xúc động và trân trọng những trang viết đầy nhiệt huyết ấy.
Vẫn biết rằng văn chưong nói chung, và thơ nói riêng khi cần thiết phải theo đuổi sự kiện thì rất khó có tác phẩm mang tầm vóc nghệ thuật. Chia sẻ điều này để bạn đọc hiểu rằng trong cơn nước lửa mà các nhà văn chưa lên tiếng bằng văn chương không có nghĩa là họ “bình chân như vại”. Cả một cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại, kéo dài suốt 20 năm, chúng ta đã có một gia tài văn chương đồ sộ. Tuy nhiên, sau chiến tranh cả người đọc lẫn người viết cũng đều thừa nhận trong gia tài ấy không ít những tác phẩm văn học mang tính minh họa. Điều đó là tất yếu, khi người cầm bút đồng thời là người cầm súng, mà nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc luôn đặt lên hàng đầu. Nhưng văn chương minh họa không phải là vô ích, nó cũng đã đóng góp một phần xứng đáng trong một giai đoạn lịch sử mà nhiều trang viết phải đổi bằng máu.
Lại nhớ vào thời kỳ tiền đổi mới (trước 1990), nhà văn Nguyễn Minh Châu đã viết bài “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa” (đăng Báo Văn nghệ Hà Nội số 49 và 50, tháng 12 năm 1987). Bài viết không hoàn toàn phủ nhận văn chương minh họa, nhưng nói lên khát vọng cháy bỏng của các thế hệ nhà văn là viết nên những tác phẩm nghệ thuật đích thực.
Nhà lý luận phê bình Lê Ngọc Trà quan niệm: “văn học không phản ánh hiện thực mà nghiền ngẫm hiện thực”. Tôi rất tâm đắc với quan niệm này. Bởi cuối cùng văn học vẫn không thoát ly hiện thực, mà luôn trăn trở với hiện thực một cách sâu sắc và mang dấu ấn cá tính sáng tạo đậm nét của nhà văn.
( Nha Trang, 4/6/2014 )