Triết lý mang tên Nguyễn Hoàng Đức

TRIẾT LÝ MANG TÊN NGUYỄN HOÀNG ĐỨC

SƯƠNG NGUYỆT MINH

S.N.M: Bận bịu quá. Giờ mới post được phần cuối chân dung dị nhân Nguyễn Hoàng Đức. Hy vọng chia sẻ được phần nào với các bạn về một con người kì quặc có một không hai.

Phần 5. Triết lý mang tên Nguyễn Hoàng Đức.

Nguyễn Hoàng Đức là một con người vừa đơn giản vừa phức tạp.
Sau cái dạo gặp nhau đầu tiên ở Quảng bá, bẵng đi một tháng, Nguyễn Hòang Đức gọi điện thoại cho tôi mời đến nhà riêng ăn tiệc. Hóa ra, “gần nhà xa ngõ”, mười năm chúng tôi ở gần nhau chưa đầy 200m mà chưa một lần chạm mặt nhau.
Tôi rụt rè gõ cửa. 
Rụt rè là bởi tôi đã nghe người ta kể về những cuộc đón khách kỳ lạ của ông: cuộc linh thiêng, cuộc lộng lẫy, cuộc thần bí và cả những cuộc cười ra nước mắt. Ông gọi với ra, bảo tôi chờ tí. Thì ra, ông đang ghim cà vạt và nghiêng ngó trước gương. Ông mở cửa. Choán trước mặt tôi là một người đàn ông cao lớn lịch thiệp, đóng comple màu be ra dáng chính khách, nhưng cái đầu là của nhà triết học với vầng trán rộng, mũi to và cao, mái tóc hơi dài chải bồng về phía sau. Tôi ngỡ ngàng, nhìn thân mình tôi cao nghều với quần lửng, đi dép lê, mặc áo thun, tay cầm chai rượu quốc lủi Phát Diệm nút lá chuối.
“Ôi! Trịnh trọng quá. Ông vừa đi đâu về hả?” – Tôi ngơ ngác hỏi.
“Không! Tôi vừa sắp tiệc đãi ông”.
“Vẽ. Có hai người mà…”
“Ừ, nhưng ông là khách quý, lần đầu đến nhà nên tôi đãi yến tiệc triều đình…sang nhất.”
Sang nhất! Ôi. Lần đầu trong đời được làm vua.
Ăn cũng phải sang nhất. Ông coi món ăn Việt là lìu tìu, không có món nào ra hồn, không có quốc hồn quốc túy về ăn uống. Ở Nga có rượu Vốt ca, ở Ba Lan có rượu cỏ, ở Pháp có vang booc đô, ở Nhật có sakê…; ở Việt nam thì… quốc lủi, mà rượu làng Vân, rượu Phát Diệm, rượu Bầu Đá, rượu Sán Lùng… cứ lọan lên chẳng có loại nào đại diện cho quốc gia. Còn ăn uống thì rau luộc, thịt luộc, luộc cả con lợn…, chỉ có luộc với chấm. Chả lẽ lại đem mắm tôm, hay dưa khú làm quốc yến? 
Tương tự, đàn bầu ngũ cung cũng không thể thi thố với đàn piano của thiên hạ. Ông rất dị ứng với những gì tranh tre nứa lá như sáo, nhị, hồ. Với ông, tất cả phải kì vĩ, hoành tráng, mênh mông, lộng lẫy và… đặc biệt. Đặc biệt như cây đàn ghi ta phải là loại gỗ thông mọc trên triền đá chịu khô hạn, bị gió bão, mưa tuyết đánh tơi bời…thì làm bầu đàn, cần đàn mới tốt, không bị cong vênh, âm thanh chuẩn bốn mùa xuân hạ thu đông.
Triết lý “Thành La Mã không xây trong một đêm” luôn chỉ đạo tư duy và hành động Nguyễn Hòang Đức. Văn chương thì trước hết phải lấy số lượng làm đầu. Một câu thơ hay, một bài thơ hay… không tính là nhà thơ. Một tập thơ hay mà không có gáy đóng ghim ông cũng cho là mỏng manh yếu ớt lìu tìu. Đã là nhà thơ phải viết trường ca, đã là nhà văn phải có tiểu thuyết, không phải 1 cuốn mà nhiều cuốn, phải lấy thước mét để đo. Văn thơ phải có tư tưởng chứ kể và tả chỉ là mua vui giải trí, mỹ học thấp bé lọ mọ tăm tối như túp lều tranh tre nứa lá… không chấp. Ông hiên ngang đi giữa đường thơ vác cây thập giá triết học, đeo túi cỏ thần học đến lâu đài văn chương kì vĩ bằng đá xanh, bỏ qua mọi ngôi nhà tranh, nhà gỗ chỉ một trận hỏa hoạn là thành tro.
Trong con mắt Nguyễn Hoàng Đức, người Phương Tây nhất là dân du mục đi khỏi nhà là nhảy lên mình ngựa nên tính tình phóng khoáng, mã hiệp. Bây giờ, ông đi ra khỏi nhà, không nhẩy lên mình ngựa mà nhẩy lên…ô tô. Ông Đức mua ô tô và đãi bạn (còn gọi là khao) bằng cách mời tôi ngồi lên để ông chở đi 1 vòng quanh nội thành Hà Nội. Ông cảm thấy tự tin vô cùng, bảo: “Từ nay tôi hết lọ mọ rồi, ông ạ”. Tôi phấn chấn chia vui: “Tôi không nghĩ thế, mà đã tính đến cái chuyện ông lấy được vợ từ cái xe ô tô này”. Triết lý của ông là: từ cái xe đạp lên xe máy, dù là xe dyland hơn 200 triệu đồng thì cũng chỉ là xe hai bánh, chẳng khác gì nhau. Nhưng, xe ô tô, dù là xe cỏ mua rẻ 14 triệu đồng ngang với đồng nát thì vẫn là xe ô tô, nó sang hơn vì nó có… 4 bánh, và bỏ tay lái nó vẫn đứng, chứ xe máy, xe đạp bỏ tay ra là… đổ kềnh.
Nguyễn Hoàng Đức dù là một “triết gia vĩ đại”, một “nhà văn khổng lồ”, một “anh hùng mỹ học” vác thập giá đi chinh phục đám văn nhân lìu tìu chúng tôi thì ông vẫn phải sống như một con người bình thường. Có nghĩa là: ông phải ăn uống, phải mặc, phải đi lại, phải mưu sinh. Hàng tuần, ông viết 1 bài báo cho báo Phụ nữ… đủ sống cho cả tuần, nhưng thiếu tiền đổ xăng, ông lại phải viết 1 bài nữa cho báo khác. Cứ ngừng viết là ông ngừng có tiền tiêu vì ông không có lương. Ông là vĩ nhân, là người theo Thiên Chúa giáo, trước lúc ăn phải làm lễ trịnh trọng. Khi cao sang thật cao sang, khi xuề xòa thật xuề xòa đáng yêu. Ông ăn salat Nga, thịt hun khói, thịt cừu chiên, thịt ngỗng trời quay, uống rượu mạnh Chivas hũ sàng 21 năm…, nhưng ông cũng xài được đồ ăn Việt thứ gì ăn cũng thấy ngon: Lòng lợn mắm tôm. Thịt chó. Chân gà nướng. Đậu phụ luộc…Khi ăn món ăn Tây, ông trịnh trọng kính cẩn làm nghi lễ thưởng thức văn hóa ẩm thực. Khi ăn đồ ăn Việt ông chỉ coi là… nạp năng lượng, đánh no bụng để đủ sức hành trình sáng tạo. 
Nhà thơ Đỗ Minh Tuấn gọi Nguyễn Hoàng Đức là: “Anh hề triết học, chàng Đông-ki-sốt văn chương” có lẽ không sai. Tôi đã đọc đi đọc lại những dòng chữ ông Tuấn viết: “Đức còn khoe khi Nguyễn Huy Thiệp mời Đức đến nhà dự khánh thành bức tượng Phật của Hồng Hưng, Đức được ngồi mâm giữa cùng các bậc cao nhân như Nguyễn Đăng Mạnh, Hoàng Ngọc Hiến và Hồng Hưng. Đức tự hào: “Thiệp là chủ nhà mà cũng không ngồi mâm giữa. Tôi còn trẻ măng, chưa là gì cả mà đã được ngồi ngang ngửa với Hoàng Ngọc Hiến…”. Đó là cái triết lý mang tên Nguyễn Hoàng Đức: “Tôi phải là người như thế nào thì mới được… như thế”. Cũng như ông khoe với tôi: “Ông Minh đã được Hữu Thỉnh gọi là thầy chưa?” “Chưa! Tôi chẳng là gì để ông Thỉnh gọi là thầy”. Ông Đức lôi tập thơ Hữu Thỉnh có lời đề tặng: “Trò Hữu Thỉnh thân tặng thầy Nguyễn Hoàng Đức”, rồi ông bảo: “Tôi phải là người như thế nào thì Hữu Thỉnh mới gọi là thầy chứ.” Vâng! Thưa bạn đọc! Chả là có dạo Nguyễn Hoàng Đức một tuần hai buổi đến nhà riêng dạy nhà thơ Hữu Thỉnh học Anh ngữ. 
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có lấy cho ông Đức một vé mời đi dự Ngày thơ quốc tế ở Indonexia. Ông về tặng tôi một cái bấm móng tay và khoe:
“Cả hội trường như chết lặng nghe tôi đọc Trường ca thần học “Ngước lên cao” bằng tiếng Anh, ông ạ”.
“Còn gì nữa?” – Tôi hỏi và mừng cho ông.
“Ở sảnh đường có đặt chiếc đàn piano. Không có nhà thơ nào dám mó vào, ông ạ.”
“Gì nữa?”
“Cả sảnh đường như chết lặng nghe tôi đàn piano, ông ạ”
“Còn gì nữa?”
“Tôi phải là người như thế nào thì mới được như thế chứ.”
Nguyễn Hoàng Đức có một khát vọng cháy bỏng là được đọc thơ ở chốn đông người như Maiacopxki đọc Trường ca Lê nin trên Quảng trường Đỏ nước Nga. Ông vẫn chờ đợi một ngày nào đó, và ông hi vọng đứng trên bục vinh quang ở Quảng trường Ba Đình, hay Sân vận động Mỹ Đình đọc Trường ca mỹ học “Kẻ hành hương từ đời đến thơ”. Chờ đến ngày Nguyễn Hoàng Đức hiên ngang đứng ở quảng trường lâu quá, bạn bè thương, các ông họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bèn tổ chức cho ông thực hiện khát vọng đáng yêu của mình. Rượu vang Chi lê và rượu mạnh Chivas trong không gian mỹ học đặc sắc tại galery họa sỹ Lê Thiết Cương, ông đắm đuối, da diết thăng đồng cùng trường ca Thần học “Ngước lên cao”. Hôm sau, ông hỏi tôi cảm nhận về buổi đọc thơ, tôi bảo: “Mọi người rất vui. Ông Thiều, ông Cương đã dành cho ông một món quà quý giá. Ông phải là người như thế nào thì mới được nhận.

alt