…Trường hợp Bùi Anh Tấn

Khuynh hướng “ngoại biên hóa” trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1986 (Trường hợp Bùi Anh Tấn)

Nguyễn Văn Hùng

1. Tiểu thuyết Bùi Anh Tấn giữa lằn ranh trung tâm – ngoại biên

Nhắc đến Bùi Anh Tấn, độc giả sẽ hình dung ra chân dung một nhà văn với những tiểu thuyết đã từng gây nhiều tranh luận sôi nổi trên văn đàn Việt Nam không chỉ bởi những đề tài “nhạy cảm”, “nóng”, mà còn bởi cá tính và phong cách sáng tạo độc đáo. Độc giả tìm đến các sáng tác của anh như đón chờ một thứ gia vị lạ trong món ăn tinh thần của mình.

Bùi Anh Tấn bắt đầu nghiệp cầm bút từ những năm đầu thập niên 90, nhưng chỉ thực sự được chú ý từ sau Một thế giới không có đàn bà viết về đề tài đồng tính nam (ra đời năm 1999). Hai năm sau, tác phẩm đình đám này vinh dự nhận được liền hai giải thưởng quan trọng, giải A của cuộc thi Tiểu thuyết và kí “Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” năm 1999 – 2002 do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công an phát động, giải A Văn học mười năm của Bộ Công an và Hội Nhà văn tổ chức. Với tác phẩm này, Bùi Anh Tấn ghi một dấu mốc trong lịch sử văn học Việt Nam, khi trở thành người đầu tiên mạnh dạn đi sâu vào đề tài đồng tính. Sau sự thành công không mong đợi đó, Bùi Anh Tấn vẫn tiếp tục các sáng tác về đề tài đồng tính, tiêu biểu trong số đó là Les – Vòng tay không đàn ôngPhương pháp của A.C. Kinsey (tiểu thuyết), Cô đơnBướm đêm (tập truyện ngắn)… Không dừng lại ở đề tài đồng tính, Bùi Anh Tấn thử sức mình với những đề tài cũng không kém phần “nhạy cảm”, gai góc như đề tài lịch sử (Nguyễn TrãiĐàm đạo về Điều Ngự Giác Hoàng), đề tài tôn giáo (Không và sắc), đề tài chiến tranh cách mạng (Kế hoạch hậu chiến 72)… Và đặc biệt, gần đây nhất là sự kết hợp vô cùng độc đáo đề tài lịch sử và đề tài đồng tính trong tiểu thuyết lịch sử Bí mật hậu cung. Dù sáng tác ở bất cứ đề tài nào, văn chương Bùi Anh Tấn luôn đứng giữa lằn ranh trung tâm – ngoại biên của văn học như là nỗ lực cách tân, đổi mới tư duy nghệ thuật, làm mới thể loại của mình.

Chúng ta hiểu văn học “ngoại biên” ở đây là loại hình văn học ngoại vi, bên lề, văn học không chính thống trong tương quan với loại hình văn học trung tâm, chính thống, được thừa nhận. Đây là một khái niệm có tính lịch sử cụ thể, tùy thuộc rất nhiều vào yếu tố như thị hiếu, quan niệm thẩm mĩ, thiết chế văn học đương thời và môi trường sinh thái văn học. Việc tồn tại hiện tượng văn học bên lề, ngoại biên là một nhu cầu tất yếu của xã hội, nơi mà con người luôn phải gánh chịu nhiều áp lực, khuôn mình vào những giới hạn khắt khe mà kinh nghiệm và truyền thống cộng đồng thiết lập nên. Đó là tiền đề nảy sinh những khát vọng “vượt thoát” bằng tinh thần, giải phóng ý tưởng, khẳng định diễn ngôn của cá nhân hay nhóm người trong xã hội. Trong sự va chạm tư tưởng/tiếng nói ấy, chúng ta chứng kiến sự áp đảo, lấn lướt của diễn ngôn trung tâm và sự yếu thế tất yếu của diễn ngôn ngoại biên. Nhưng trên thực tế, luôn có sự tồn tại song hành giữa hai loại hình diễn ngôn này trong đời sống văn học của dân tộc. “Ngoại biên hóa” là quá trình tiệm tiến từ ngoại biên vào trung tâm hay sự xâm nhập của yếu tố ngoại vi trong dòng văn học chính thống (và ngược lại). Quá trình này có thể xảy ra ở nhiều góc độ: đề tài, chủ đề, hình tượng nhân vật, diễn ngôn, khuynh hướng, phong cách sáng tác… Khi xã hội càng phát triển cùng sự hội nhập sâu rộng với thế giới bên ngoài, ý tưởng được khai phóng, diễn ngôn bình đẳng là môi trường lí tưởng để quá trình này tồn tại. Trên thực tế, luôn có những hiện tượng văn học vượt qua những định kiến về “thành phần xuất thân” của mình để kiêu hãnh vươn lên, cũng như luôn có những tác phẩm tụt khỏi “vị thế” chính thống của mình. Đó là quy luật tất yếu của đời sống văn học khi mà vai trò cũng như tài năng của chủ thể sáng tạo được khẳng định.

Trở lại với Bùi Anh Tấn và những tác phẩm đề tài lịch sử của anh, chúng ta dễ dàng nhận thấy có sự chuyển động (dao động) trên đường biên trung tâm – ngoại vi. Nếu như Đàm đạo về Điều Ngự Giác HoàngNguyễn Trãi(quyển 1. Oan khuất) vẫn yên vị trong phạm vi văn học trung tâm, thì đến Nguyễn Trãi (quyển 2. Bức huyết thư) và Bí mật hậu cung đã bắt đầu có sự mom men sang địa hạt của văn học ngoại biên. Từ những đề tài, chủ đề có khuynh hướng “ngoại biên hóa” (đồng tính, võ hiệp), các hình tượng nhân vật mang gương mặt xa lạ, cô đơn giữa đám đông, đến cơ chế diễn ngôn biến đổi… Bùi Anh Tấn và tác phẩm của anh đã tạo thành những “dòng nước ngược” trong nguồn chung của đời sống văn học đương đại.

Khi một thế giới không còn khép kín tự tại, chuyển động này mang ý nghĩa như một sự giải phóng bản thân, thách thức tâm linh của người sáng tạo và ngưỡng tiếp nhận của độc giả. Từ sự phi trung tâm hóa, phi độc sáng mang đặc trưng của xã hội và văn hóa hậu hiện đại, những kiểu sáng tạo huyền ảo, hậu hiện đại, phi lí cùng những đề tài, chủ đề nhục cảm, chấn thương, đồng tính, võ hiệp… vốn trước đây bị coi là bên lề, nay bỗng tiệm tiến về phía trung tâm. Trong nguồn mạch chung mang khát vọng đổi mới, “vượt thoát” đó, tiểu thuyết lịch sử của Bùi Anh Tấn như một dòng riêng độc đáo, mới lạ.

2. Tiểu thuyết lịch sử – sự kết hợp đề tài lịch sử và đề tài đồng tính

Với những tác phẩm ra đời trong khoảng hơn 10 năm lại đây, văn học viết về đề tài đồng tính luyến ái đã tạo ra những cơn sóng nhất định trong dòng chảy của văn học Việt Nam đương đại. Nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng tiếp nhận cho thấy sự quan tâm và sức lan tỏa của dòng văn học này trong đời sống của con người hiện đại. Có thể có rất nhiều cách lí giải khác nhau về sự xuất hiện dòng văn học “nhạy cảm” này, song văn học đồng tính Việt Nam hiện hữu như một nhu cầu tự thân trong một tình thế hiển nhiên. Một khi xã hội còn tồn tại những định kiến khắt khe, những rào cản vô hình của lễ giáo, đạo đức, luân lí truyền thống đối với “thế giới thứ ba”, thì vẫn cần một sự cảm thông, chia sẻ, một tiếng nói bênh vực, đấu tranh cho quyền bình đẳng giới.

Không những được xem là người đặt dấu mốc mở đường, khai sáng cho văn học đồng tính ở Việt Nam (với tác phẩm Một thế giới không có đàn bà, 1999), Bùi Anh Tấn còn có những thể nghiệm táo bạo trong nỗ lực đưa văn học đồng tính từ bóng tối ra ánh sáng[1] khi kết hợp hai đề tài tưởng chừng như không thể dung hòa là lịch sử và đồng tính trong tiểu thuyết mới nhất của mình, Bí mật hậu cung. Với tư cách là nhà văn viết về đề tài lịch sử, Bùi Anh Tấn đã thể hiện sinh động, sâu sắc quan niệm về lịch sử và thể loại của mình thông qua cảm thức lịch sử và thế giới nghệ thuật trong tác phẩm.

Lấy bối cảnh vương triều nhà Lí thế kỉ XI, Bí mật hậu cung đã phục dựng nhiều sự kiện, biến cố xoay quanh các nhân vật lịch sử có thật: vua Lí Thái Tông và Lí Thánh Tông, Linh Nhân Hoàng thái hậu, Lí Thường Kiệt… Điểm nhấn trong bức tranh xã hội rộng lớn ấy là cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược của vua tôi nhà Lí. Không gian được trải rộng qua nhiều vùng đất, thời gian vừa được dồn nén, vừa được kéo căng, tạo nên một bức tranh thời đại lịch sử chân thực và vô cùng sinh động. Từ chân dung lịch sử đến chân dung nghệ thuật, nhà văn đã phục sinh các nhân vật lịch sử, làm cho họ một lần nữa được “trở mình”, bước lại những bước đi trong quá khứ, làm sống lại cả một triều đại oai hùng với những chiến công lừng lẫy, ghi dấu trong lịch sử dân tộc. Chỉ bằng một vài cứ liệu lịch sử ít ỏi còn sót lại, nhà văn đã vượt qua thử thách của “vòng lửa lịch sử” một cách trọn vẹn và thuyết phục.

Viết về Lí Thường Kiệt, danh nhân kiệt xuất của dân tộc, Bùi Anh Tấn đứng trước những thử thách không nhỏ bởi đây không chỉ là nhân vật lịch sử mà còn là nhân vật huyền thoại trong sự ngưỡng vọng lớn lao của cộng đồng. Hơn thế nữa, những cứ liệu về nhân vật này còn lại rất ít, chỉ là những “mảnh vỡ” được vá víu lại từ chính sử, dã sử, huyền thoại, truyền thuyết (mà không phải mảnh nào cũng “khả tín”, “khả kiểm”). Một “khoảng trắng” trong cuộc đời, số phận nhân vật bị lịch sử “bỏ quên” cần được trí tưởng tượng của người nghệ sĩ lấp đầy. Nếu các sử gia nhìn các nhân vật dưới góc độ con người tư tưởng, con người chính trị thì tiểu thuyết gia, bằng quyền năng hư cấu, cộng với sự nhạy cảm, tinh tế của mình, lại soi chiếu nhân vật dưới giác độ đời tư thế sự, những bí ẩn, uẩn khúc của cái tôi cùng với tấn bi kịch nội tâm của họ. Ảnh hưởng tiếng gọi của trò chơi [3], tiểu thuyết lịch sử trở thành mảnh đất để Bùi Anh Tấn tự do đưa ra những giả định lịch sử, tiến hành những thử nghiệm, thậm chí “tùy tiện” trong cách ứng xử với đề tài như là một sự khiêu khích, thách đố với những cách ứng xử quen thuộc của cộng đồng nhằm đi tới mục đích tối hậu là truy tìm “một sự thật của con người”.[4]

Song song với tuyến truyện về lịch sử, Bùi Anh Tấn đã lồng vào đề tài đồng tính như là phương thức “ngoại biên hóa”, thể hiện ý thức làm mới thể loại, đồng thời cũng là cách để nhà văn luận giải, khơi mở những bí ẩn nơi “góc khuất” của lịch sử. Tác giả của Bí mật hậu cung đã xây dựng nên mối tình kì lạ, lãng mạn và vô cùng trắc trở giữa Ngô Thuấn, một mĩ nam tử nổi tiếng của kinh thành Thăng Long, sau này trở thành danh tướng kiệt xuất Lí Thường Kiệt và đương kim thái tử Nhật Tông, hết mực tài hoa, tinh tế, sau này kế vị ngai vàng trở thành vua Lí Thánh Tông. Ban đầu giữa họ chỉ là những chia sẻ sở thích về ngựa và võ nghệ, dần dần tình cảm đó đã vượt lên tình huynh đệ thông thường, trở thành một thứ tình cảm khác lạ. Họ như nhìn thấu vào tâm can, hiểu hơn ai hết khát vọng của nhau, cùng trao nhau ước mơ hạnh phúc lứa đôi cũng như những nỗi đau đớn, giằng xé do những rào cản không thể vượt qua. Riêng Ngô Thuấn, ngòi bút của Bùi Anh Tấn đã chạm vào những khắc khoải cô đơn, những hoài nghi, trăn trở để tạo nên những trang miêu tả, phân tích tâm lí xuất thần. Trong những khoảnh khắc xúc động ấy, tác giả đã khiến người đọc tạm quên đi hình ảnh người anh hùng kiệt xuất của dân tộc, để trải lòng mình với những xúc cảm đời thường, và trên hết, thấu hiểu tấn bi kịch nội tâm của một con người: không biết mình là ai, không dám thừa nhận giới tính của mình, không được sống thật với con người, để rồi không được quyền lựa chọn hạnh phúc riêng tư cho mình. Viết về thần tượng của dân tộc, rõ ràng, Bùi Anh Tấn đã vượt qua kinh nghiệm cộng đồng, đã “giải thiêng” thần tượng, kéo nhân vật về với kích cỡ của con người đời thường với mọi cung bậc cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố. Những góc tối, những vùng mờ mà lịch sử không hề nhắc tới, nay đã được soi rọi và giải mã không chỉ ở bề mặt, mà còn ở các “bề sau, bề sâu, bề xa”. Việc Ngô Thuấn, một mĩ nam tử nổi tiếng, rũ bỏ tất cả, danh vọng sự nghiệp, hạnh phúc, để chấp nhận trở thành thái giám, kề cận bên vua, đã được nhà văn lí giải khá thuyết phục và tinh tế dưới góc độ đời thường nhất.

Bên cạnh mối tình trắc trở đó, Bùi Anh Tấn còn xây dựng mối tình đầy oan trái của Trần Gia Tân với Dương Đức Vệ, đặc biệt là mối tình lặng lẽ nhưng vô cùng mãnh liệt của Gia Tân và Ngô Minh. Nếu với Ngô Thuấn và Nhật Tông, những ràng buộc của định kiến, lễ giáo cung đình không cho phép họ đi trọn vẹn con đường tình yêu và hạnh phúc, thì nay mối tình của Ngô Minh, con trai nuôi của Ngô Thuấn như một sự bù đắp cho những đau đớn mà người cha đã từng gánh chịu. Khác với những nhân vật đồng tính trong nhiều tác phẩm trước đây của nhà văn, luôn bế tắc, đau khổ, tuyệt vọng, mối tình Gia Tân và Ngô Minh thành tựu bằng một kết thúc có hậu, khi nhà văn cho nhân vật của mình gạt bỏ tất cả những lề thói của xã hội, dám sống với chính con người và tình cảm thật của mình. Khép lại câu chuyện là hình ảnh đời thường lãng mạn, Gia Tân gác kiếm, ôm đàn gãy cho người tình tri kỉ của mình như là một bức thông điệp đầy chất nhân văn về quyền được sống, được yêu thương, được cộng đồng xã hội nhìn nhận của những người đồng giới.

Đưa đề tài đồng tính trong tiểu thuyết lịch sử, Bùi Anh Tấn đã cho thấy sự dung hợp, tương tác kì diệu của thể loại. Qua tác phẩm của mình, nhà văn đã khẳng định một qui luật, dù là “ngoại biên” hay “trung tâm”, câu chuyện của văn học muôn đời vẫn là câu chuyện của tâm hồn con người, của những đau đớn, yêu thương và lầm lạc của kiếp người, của những khát khao “vượt thoát” đầy nhân bản.

3. Tiểu thuyết lịch sử pha màu sắc võ hiệp huyền ảo

Văn học võ hiệp là một đề tài lớn của văn chương thế giới. Ở phương Tây, rất nhiều tác phẩm thuộc đề tài này đã trở thành kinh điển, là tài sản vô giá trong kho tàng văn học nhân loại, như Bá tước Monte Cristo và bộ ba tác phẩm Ba người lính ngự lâmHai mươi năm sau và Tử tước de Bragelonne: Mười năm sau tiếp (Alexandre Dumas), Robin Hood của vùng Nottingham (truyện dân gian Anh) hay Hiệp sĩ Ivanhoe (Walter Scott)… Nhìn sang văn học Trung Hoa, cái nôi của tiểu thuyết võ hiệp phương Đông, mặc dù thể loại này có những thăng trầm, biến suy nhất định, song cuối cùng, với sức sống và sự hấp dẫn mê hồn, nó được nhìn nhận và khẳng định bằng những tài năng hiếm có và những tác phẩm xuất sắc. Trong số những đại diện tiêu biểu làm nên gương mặt và truyền thống văn học võ hiệp Trung Hoa không thể không nhắc tới Kim Dung. Tác giả của Anh hùng xạ điêu,Thần Điêu hiệp lữỶ thiên đồ long ký hay Thiên long bát bộTiếu ngạo giang hồLộc đỉnh ký, được gắn với cột mốc lớn bậc nhất trong lịch sử tiểu thuyết võ hiệp bởi ông là người có công nâng thể loại từ vị thế từng bị coi là dòng văn học thông tục, bên lề, giờ đàng hoàng trở thành dòng văn học chính danh. Rõ ràng, trên thế giới nói chung và ở Trung Quốc nói riêng, thể loại văn học võ hiệp không còn bị xem là thể loại cận văn học (paralitérature), mà đã được được nhìn nhận như một thể loại chính thống, có thể xếp ngang hàng với những thể loại văn học chính danh khác.

Ở Việt Nam, cùng với việc tiếp nhận, nghiên cứu phê bình, quá trình sáng tác văn học võ hiệp đã manh nha xuất hiện từ giữa thế kỉ XX với nhiều dấu ấn quan trọng. Truyện võ hiệp được độc giả Việt Nam tiếp nhận như một hiện tượng văn hóa độc đáo.[5] Bắt đầu xuất hiện hàng loạt những cây bút chuyên dịch các tác phẩm kiếm hiệp như Phan Cảnh Trung, Hàn Giang Nhạn, Từ Khánh Vân, Lão Sơn Nhân… Cùng với đó, nhiều nhà nghiên cứu phê bình thể hiện sự quan tâm của mình qua các công trình bàn luận có quy mô như Nguyễn Mộng Giác (Nỗi băn khoăn của Kim Dung, NXB. Văn mới, Sài Gòn, 1972), Đỗ Long Vân (Vô Kị giữa chúng ta hay là Hiện tượng Kim Dung, NXB. Trình bày, Sài Gòn, 1968). Sau 1975, có Vũ Đức Sao Biển (Kim Dung giữa đời tôi), Huỳnh Ngọc Chiến (Lai rai chén rượu giang hồ – Tiểu luận về Kim Dung). Ngoài ra, phải kể đến chuyên san dành riêng cho truyện kiếm hiệp của Kim Dung với những bài nghiên cứu chuyên sâu và có hàm lượng khoa học cao trên Tạp chíVăn học số 34 (15/3/1965) và Tạp chí Văn học nước ngoài (số 2/1998) minh chứng cho sức hấp dẫn và lan tỏa của hiện tượng này trong đời sống văn hóa và tinh thần người Việt.

Đặc biệt, nhiều dịch giả, nhà phê bình cũng đã thử sức với những sáng tác về thể loại này như Hoàng Ly, Lí Phật Sơn, Từ Khánh Phụng, Hoàng Tùng… Gần đây nhất, xuất hiện hai tác giả có tâm huyết bậc nhất với dòng văn học võ hiệp Việt Nam là Vũ Ngọc Đĩnh và Cư sĩ Yên Tử Trần Đại Sĩ. Có thể nhận thấy trong những tác phẩm của Cư sĩ Yên Tử như Nam quốc sơn hàAnh hùng Đông A dựng cờ bình MôngAnh hùng Tiêu SơnThuận thiên di sửAnh hùng Bắc CươngAnh linh thần võ tộc Việt một truyền thống võ học đậm chất bản địa, một tinh thần tự cường dân tộc, cùng với lòng yêu nước nồng nàn được thể hiện khá sinh động qua những nhân vật hiệp khách là những nhân vật lịch sử có thật và hư cấu người Việt. Còn tác phẩm của Vũ Ngọc Đĩnh là sự kết hợp giữa yếu tố lịch sử/dã sử với tinh thần võ hiệp đậm chất Việt (Mười hai sứ quânHào kiệt Lam SơnLê Đại Hành hoàng đế phá TốngBắn rụng mặt trời). Đọc những tác phẩm ấy, người đọc nhận ra khí phách hào hùng, tinh thần dân tộc được kết tinh qua bao thế hệ và được khẳng định trong bão lửa của các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Mặc dù còn những hạn chế nhất định, song có thể nói, trong quá trình manh nha, hình thành và phát triển, văn học võ hiệp Việt Nam đã để lại một di sản phong phú. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân về lịch sử, văn hóa, chính trị, văn học võ hiệp Việt vẫn chưa được chú ý đúng mức. Ngoài những nỗ lực mang tính chất cá nhân của một số nhà phê bình như Hoàng Tùng, thực tế vẫn còn thiếu những công trình có giá trị và quy mô, nghiên cứu đầy đủ, toàn diện về văn học võ hiệp Việt. Có nhiều “nguồn cơn” cho không khí ảm đạm này, song có một nguyên nhân rất đáng chú ý, đó là, cho đến nay, thể loại này vẫn bị coi là văn học “ba xu”, rẻ tiền, bị kì thị là dòng văn học ngoại biên trong tương quan với văn học chính thống, trung tâm. Vì vậy, thiếu hẳn các thiết chế, những chính sách khuyến kích, đầu tư phát triển cũng như môi trường tồn tại của nó.[5]

Trong nỗ lực “phục hưng” văn học võ hiệp trên một tình thế, tâm thế hiện đại, những năm gần đây, Bùi Anh Tấn là một trong những cái tên gây được nhiều chú ý bởi những sáng tác có sự kết hợp đặc sắc giữa đề tài lịch sử và màu sắc võ hiệp huyền ảo. Tác giả đã mạnh dạn kết hợp hai thể loại, hai sinh thái văn học khác biệt, một là văn học chính thống, trung tâm (tiểu thuyết lịch sử), một là văn học ngoại biên, bên lề, có tính chất giải trí (tiểu thuyết võ hiệp) trong thể loại tiểu thuyết lịch sử (Nguyễn Trãi (quyển 2. Bức huyết thư) và Bí mật hậu cung). Rõ ràng, ở một khía cạnh nào đó, sự kết hợp này đã có truyền thống từ những sáng tác trước đó của Hoàng Ly, Phan Cảnh Trung, hay gần đây của Vũ Ngọc Đĩnh và Yên Tử cư sĩ Trần Đại Sĩ…., song Bùi Anh Tấn đã có những tìm tòi hướng đi mới, bằng một cảm thức mới mang hơi thở thời đại cùng với một tinh thần nhân văn hiện đại.

Bức huyết thư lấy bối cảnh lịch sử xã hội Việt Nam thời “hậu Nguyễn Trãi” với những biến cố khốc liệt trong cuộc chiến tranh giành quyền lực chốn cung đình. Bùi Anh Tấn chỉ dựa vào hai sự kiện ít ỏi được ghi trong chính sử (Đại Việt sử kí toàn thư) để phục dựng không khí lịch sử vô cùng chân thực, sinh động. Bằng một vài điểm níu mong manh đó, nhà văn đã thả sức tưởng tưởng, hư cấu ra một cốt truyện li kì, hấp dẫn. Bên cạnh những nhân vật có thật trong lịch sử được xây dựng một cách đầy sức sống như Thái hậu Nguyễn Thị Anh, Lạng Sơn vương Nghi Dân, Thái bảo Đinh Liệt, Nguyễn Xí, Bình Nguyên vương Tự Thành…, tác giả còn sáng tạo ra thế giới nhân vật hư cấu phong phú, sinh động. Hai tuyến truyện song song tồn tại, hai thế giới cung đình và giang hồ được tái hiện chân thực, sắc xảo. Cuộc truy tìm tấm họa đồ chỉ dẫn đến bức huyết thư, nơi ẩn chứa những bí mật lịch sử về vụ án Lệ Chi Viên đã kéo theo hàng loạt những mưu đồ, toan tính của các thế lực (Thái hậu Nguyễn Thị Anh, Lạng Sơn vương Nghi Dân, Bình Nguyên vương Tự Thành), quy tụ xung quanh trợ giúp cho các thế lực đó là các giáo phái, các kiếm khách giang hồ… Người đọc hồi hộp dõi theo bước chân của Trần Nguyên Vũ, nhân vật chính của tiểu thuyết trong cuộc hành trình tìm kiếm sự thật để minh oan cho tấm lòng trong sáng, chính trực của Nguyễn Trãi, cũng chính là ông nội chàng. Để tìm ra những khuất lấp trong cái chết của ông mình, Nguyên Vũ buộc phải can dự vào những mưu đồ của các thế lực cung đình cũng như những ân oán trong giới giang hồ. Một thế giới mới được mở ra trước mắt chàng trai trẻ, vừa thân quen vừa xa lạ, vừa gai góc vừa lạ lẫm, diệu kì. Đó là chuyến phiêu lưu vào thế giới võ lâm huyền bí, thế giới của những giáo phái (Hồng Y giáo phái, Hồ điệp cốc), của những bí quyết võ công siêu phàm, của những kiếm khách nghĩa hiệp, cùng những nhân vật giang hồ rất đỗi kì lạ. Đan bện giữa những âm mưu, ân oán giang hồ, là những chủ đề đời tư thế sự, là những giây phút lãng mạn, thi vị trong tình yêu, tạo ra những góc nhìn đa chiều về thế giới và con người. Với trí tưởng tượng phong phú của mình, Bùi Anh Tấn đã sáng tạo nên một cốt truyện li kì, những tình tiết gây cấn và một kết thúc bất ngờ, được giữ kín đến phút cuối, mang đậm phong cách kiếm hiệp. Bức huyết thư chỉ là hư ảo, biến tất cả thành những quân cờ trong ván bài quyền lực trần trụi, lạnh lùng và tàn nhẫn. Có thể tất cả, sự thật và hư ảo, sẽ rơi vào lặng câm và chìm vào quá khứ nhưng những tấn bi kịch thân phận con người và những hệ lụy của nó vẫn còn mãi qua nhiều thế hệ.

Nếu Bức huyết thư giải mã những uẩn khuất, xung đột trong nội bộ thế giới cung đình thì Bí mật hậu cungđược coi là bản anh hùng ca hào hùng về cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc và bản tình ca về những mối tình lạ kì, lãng mạn. Khi bức màn bí mật trong chốn hậu cung được hé mở, cũng chính là lúc, người đọc được đối diện với những cơn giông bão của lịch sử và tấn bi kịch nội tâm của kiếp nhân sinh. Tác phẩm có sự đan xen hai tuyến cốt truyện chính. Ở tuyến thứ nhất, nhà văn đã tái hiện cuộc kháng chiến chống Tống vĩ đại của dân tộc với những nhân vật, những sự kiện, những địa danh, những trận đánh có thật đã đi vào trang sử vẻ vang của dân tộc. Ở đó có ánh hào quang của chiến thắng và cũng có những mất mát, hi sinh thầm lặng của những người có tên và không có tên trong lịch sử dân tộc. Ở tuyến thứ hai, phía góc khuất của cuộc sống đời thường, là những câu chuyện về thế thái nhân tình, cùng những bi kịch của kiếp nhân sinh. Bên cạnh những nhân vật có thật, Bùi Anh Tấn đã sáng tạo nên một thế giới nhân vật hư cấu rất hấp dẫn. Thế giới võ lâm Trung Nguyên và Đại Việt hiện lên vô cùng sinh động trong những mối quan hệ với triều đình, trở thành nhân tố can dự tới bước đi của lịch sử. Người đọc cảm thấy ngỡ ngàng, thú vị khi bắt gặp những kiếm khách với những chiêu thức biến hóa, huyền ảo, những giáo phái giang hồ vừa lạ vừa quen. Bút pháp tả thực đan quyện với cái huyền ảo, lãng mạn trong nghệ thuật xây dựng nhân vật, khiến nhân vật có chiều sâu nội tâm, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Vẫn sử dụng motif quen thuộc trong truyện võ hiệp: motif truy tìm bí quyết bị thất lạc, gây oán – trả thù, rửa tay gác kiếm lưu lạc giang hồ… đan xen là những câu chuyện đời tư thế sự đã khiến tác phẩm có kết cấu đa tầng, đa tuyến, phức tạp nhưng vô cùng chặt chẽ. Bên cạnh cuộc đời và số phận của Ngô Thuấn, người đọc còn hồi hộp dõi theo cuộc đời và số phận kì lạ của Trần Gia Tân và Ngô Minh. Hai số phận, hai con người với những tâm sự riêng tây, gặp nhau như một định mệnh, gắn chặt với nhau bởi một mối tình lạ kì, chân thực và giàu đức hi sinh. Những bí mật, xung đột lịch sử được khám phá, giải mã trên chính số phận cá nhân, qua đó tác phẩm đã gửi gắm những triết lí nhân sinh ở tầm phổ quát. Đó cũng là những suy tư, trăn trở của tác giả nhằm nối kết quá khứ với hiện tại, hay nói như nhà văn: “Vừa dùng tư duy của ngày hôm nay để đánh giá tư duy của người xưa, vừa thâm nhập vào thế giới quan của tiền nhân để hiểu họ, phân tích, đánh giá việc làm của họ và rút tỉa những bài học lịch sử cho hậu sanh” (Trả lời phỏng vấn báo Văn nghệ trẻ).

Bùi Anh Tấn không những biết cách tháo gỡ sự căng thẳng của các tình tiết một cách bất ngờ, mà còn biết hãm và kéo dài sự căng thẳng đó bằng việc đan cài vào mạch phát triển của câu chuyện những đoạn trữ tình ngoại đề vô cùng thú vị. Tác phẩm của anh đầy chất thơ và nhạc. Những bài thơ Đường nổi tiếng, những điệu nhạc dặt dìu đã khiến câu chuyện trở nên thi vị, lãng mạn, đậm chất huyền thoại và đầy chất triết lí, suy nghiệm. Ngoài ra, độc giả còn tìm thất được trong sáng tác của nhà văn này nhiều tri thức về lịch sử, văn hóa, kinh điển tôn giáo. Việc đưa yếu tố võ hiệp vào trong tiểu thuyết lịch sử hay là thông qua quá trình “ngoại biên hóa” thể loại, Bùi Anh Tấn đã thực thi sứ mệnh của người cầm bút một cách nhẹ nhàng, lôi cuốn, đó là bằng các câu chuyện lịch sử, vẽ nên bức tranh thời đại, nhằm khơi gợi tinh thần dân tộc, niềm tự hào và ngưỡng vọng đối với lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông.

4. Kết luận

Có thể nói, “ngoại biên hóa” là một trong những khuynh hướng mới mẽ trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1986. Mặc dù khuynh hướng này đã có truyền thống từ trước, song đến Bùi Anh Tấn, bằng tài năng, tâm huyết của mình đã tiếp nối truyền thống ấy một cách sáng tạo. Với kiến thức uyên thâm trên nhiều lĩnh vực, trí tưởng tượng phong phú cùng với việc vận dụng các thủ pháp hiện đại, hậu hiện đại, các tác phẩm của Bùi Anh Tấn trở thành món ăn lạ trong thực đơn tinh thần của độc giả. Sự mới mẻ về đề tài, đột phá trong bút pháp, cùng với tinh thần nhân văn sâu sắc, tác giả đã cho thấy sức sống bền vững của thể loại trong xu thế bình đẳng với các loại hình văn học khác.

Chú thích:

[1]: Hoàng Tùng, “Văn chương đồng tính: từ bóng tối ra ánh sáng”, nguồn: http://tapchisonghuong.com.vn.

[2]: M. Kundera (1998), Nghệ thuật tiểu thuyết, Nguyên Ngọc dịch, NXB. Đà Nẵng, Đà Nẵng.

[3]: Trần Vũ, “Lịch sử trong tiểu thuyết, một tùy tiện ý thức”, nguồn: www.tranvu.free.fr.

[4]: Xem thêm, Trần Lê Hoa Tranh, “Việc tiếp nhận Kim Dung tại Việt Nam”, nguồn http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn.

[5]: Xem thêm, Hoàng Tùng, “Thăng trầm văn học kiếm hiệp Việt”, Báo Văn nghệ trẻ, số 52/2011.

http://phebinhvanhoc.com.vn/?tag=truong-hop-bui-anh-tan