Nguyễn Hoàng Đức, kẻ mộng du giữa đời thường

S.N.M:
Mình có ông bạn hàng xóm 56 tuổi đang độc thân. Hiện nay, gã đang mang trên vai rất nhiều “nhà”: Nhà triết học số 1 châu Á, nhà mỹ học, nhà thần học, nhà tiểu thuyết, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học, nhà soạn kịch, nhà tình yêu học..vv. 
Cứ lúc nào nhàn tản là mình đi bộ sang nhà gã để… uống rượu. Sau 5 năm, mình nhận ra gã là 1 tay kì dị nhất thế gian. Mình có nói với gã rằng: Ông thì quá “lớn”, mà trái đất này thì quá “hẹp”. Đành viết 1 vạn từ dựng chân dung gã.

NGUYỄN HOÀNG ĐỨC
KẺ MỘNG DU GIỮA ĐỜI THƯỜNG

Nhà văn SƯƠNG NGUYỆT MINH

Nguyễn Hoàng Đức có hai con người trong ông: Một thông minh, sắc sảo, hùng biện, tranh luận gắt chói đến tận cùng lý tính, với sống đời sống thường nhật rất đỗi thật thà, xuề xòa, hồn nhiên cảm tính. Hai, là kẻ mộng du, ảo tưởng khoác sau lưng nặng trĩu hành trang nguyên lý sang trọng sục sôi phiêu du đến những khoảng không “chân chẳng bén đất cật chẳng bén trời”. Tôi nghĩ: Chính cái chân trời của lý tính luôn ngự trị trong tư duy và cõi mộng tưởng kỳ vĩ của ông cộng với mặc cảm thân phận không được công nhận danh tính đã làm nên cái đặc sắc mang tên Dị nhân Nguyễn Hoàng Đức – kẻ mộng du giữa đời thường.

1. “Nhà triết học số 1 châu Á?”
Người ta kể rằng: Nguyễn Hoàng Đức được ở bên Đức cha Nguyễn Văn Thuận (một trong những người được đề cử bầu Giáo hoàng) 4 năm. Qua 4 năm, ông Đức từ một cán bộ sỹ quan an ninh trở thành con chiên ngoan đạo của Chúa, được Chúa giao trọng trách khai sáng đám văn nghệ sĩ u mê. Ông Đức bỏ việc nhà nước, bỏ hết cả mọi danh hiệu hư vinh… chỉ làm mỗi một việc học tiếng Anh, tiếng Pháp, đọc các trước tác Triết học, Thần học, Văn chương – Nghệ thuật và… viết. 
Từ dạo ấy, ông không còn là con người bình thường nữa. Ông nhìn mọi người bằng con mắt thương cảm như một bề trên nhìn chúng sinh đang lầm than, u mê cần phải khai sáng bằng Triết học, Thần học. Trong ông có một kho tàng tri thức của nhân loại được tích hợp từ các vĩ nhân: Aristotle, Descartes, Kant, Hegel, Nietzsche… và Kinh Thánh…Ông luôn lấy các vĩ nhân làm chuẩn và bỗng dưng thấy cái đám nhà văn Việt Nam thấp bé, mỏng manh, lọ mọ.
Tôi gặp Nguyễn Hoàng Đức lần đầu trong Trại viết tiểu thuyết Hội Nhà Văn cuối năm 2007 ở Quảng Bá, dù trước đó đã từng đọc nhiều triết luận văn chương của ông ở Tạp chí Sông Hương, Cửa Việt và những bài luận về đàn bà về tình yêu ở báo Phụ nữ và chuyên san “Hạnh phúc gia đình”. 
Hôm ấy, tôi bỡ ngỡ, lạ lùng đến mức cảm thấy ông “đột ngột xuất hiện như một niềm kinh ngạc” giữa đời thường. Trong bữa cơm, tôi chứng kiến một trận thư hùng có một không hai về triết học giữa Nguyễn Hoàng Đức và nhà thơ Đỗ Minh Tuấn. Ông Đức xuất kho nhà triết học Aristote thì ông Tuấn dẫn ra Nietzsche. Ông Tuấn lôi Khổng Tử, Mạnh Tử dậy thì ông Đức bác luôn phương Đông không có triết học, còn tư tưởng thì lìu tìu không tính, rồi ông khai quật Descartes, Kant, Hegel… 

Không khí tranh luận bỏng gắt hừng hực bốc hơi, Nguyễn Hoàng Đức hiên ngang tuyên bố: Ở Việt Nam không có đối thủ triết học để tranh luận cùng ông; có nghĩa là ông đẩy nhà thơ Đỗ Minh Tuấn xuống hàng sau ông và sau bao nhiêu bậc thì ông không nói rõ. Bữa ấy, tôi chêm vào: “Giáo sư Trần Văn Giàu nói rằng: Bản thân mình và đồng nghiệp chỉ là người nghiên cứu, giảng dạy triết học, ở Việt Nam chỉ duy nhất có Trần Đức Thảo là nhà triết học mà thôi”. Tôi dẫn ra các tác phẩm của Trần Đức Thảo tiên sinh như: “Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật bịên chứng” và “Nghiên cứu nguồn gốc ngôn ngữ và ý thức” được phương Tây công nhận đánh giá là kiệt xuất và đưa vào Từ điển triết học thế giới. Nguyễn Hoàng Đức liền lôi phắt chuyên luận triết văn “Ý hướng tính văn chương” dầy 640 trang của mình ra bảo: “Tôi đập nát bét. Tôi đập nát bét”. Sợ quá! Chẳng hiểu ông đập bét tôi hay đập nát nhà triết học Trần Đức Thảo? Nghĩ nhanh mới biết mình dại, và tôi ân hận, lẽ ra cứu bữa cơm rượu ngon chỉ bằng cách dẫn các nhà triết học cổ đại Socrate, Platon…tầm nhân loại thì may ra “Nhà triết học số 1 châu Á” mang tên Nguyễn Hoàng Đức mới đối thoại. 

Hôm đó, ông hùng biện phân tích“Ý hướng tính văn chương” bao gồm 6 chương. Ông đi từ bản tính sáng tạo của con người qua chân lý, đến Thượng Đế, rồi hạ xuống con người, đến siêu hình học, và văn chương cứu rỗi con người, đến phương tiện của tư duy và văn chương – chính là chữ nghĩa. Ông bảo vệ đến cùng luận điểm: ở Việt Nam ông không có đối thủ triết học, dù cơm có nguội, canh có lạnh thì mặc kệ canh cơm. Khi căng khi chùng, có lúc lớn tiếng đến mức các mâm bên cạnh tối tăm mặt mũi như gặp bom B52 trút xuống Hà Nội mùa đông đỏ lửa năm 1972. Ai cũng thấy kì lạ, dường như gác đũa, há hốc miệng nghe và rồi ù tai chẳng hiểu ông nói gì, và mình thu nhận được kiến thức gì trong cái mớ triết học mênh mông của ông. Ngay cả khi ấy, tôi cũng nhận ra một nỗi buồn cô quạnh của ông khi ông nói mãi, giải thích mãi mà cái đám chúng sinh người trần mắt thịt chúng tôi không chịu hiểu ra, không nhìn thấy một Hy mã lạp sơn triết học đang ngồi lù lù trước mặt. Từ lúc đó, tôi cũng không gắp thức ăn được nữa, chỉ làm mỗi việc… châm tửu hầu ông mải mê thăng đồng chia cắt, định giá, so sánh văn hóa Đông – Tây và sắp đặt nền triết học thế giới một cách rất lành mạnh, đáng yêu, chân thành và nồng nhiệt. 
(Còn nữa)