Ngoại vi như là nơi kháng cự

Ngoại vi như là nơi kháng cự

bell hooks*

Bốn năm trước, trong lời tựa cuốn Feminist Theory: From Margin to Center [Nữ quyền luận: Từ Ngoại vi đến Trung tâm], tôi đã trình bày những suy nghĩ của mình về tính ngoại vi (marginality):

Ở vị trí ngoại vi nghĩa là anh là một bộ phận của cái toàn thể, nhưng đồng thời anh lại ở bên ngoài thành phần chính yếu. Chẳng hạn, đối với những người Mỹ da đen sống ở một thị trấn nhỏ ở Kentucky, đường xe lửa chính là hình ảnh gợi nhắc về vị trí ngoại biên trong đời sống thường ngày của chúng ta. Dọc theo những đường xe lửa này là những hè phố, những cửa hiệu chúng ta không được phép đi trên đó hay bước chân vào, những nhà hàng chúng ta không được phép ngồi ăn, và những con người chúng ta không được quyền nhìn thẳng vào họ. Dọc theo đường xe lửa là một thế giới nơi ta có thể làm việc như là những người hầu, những người trông coi nhà cửa khi chủ vắng mặt, những gái điếm khi nào thế giới đó cần phục vụ. Chúng ta có thể bước vào thế giới đó nhưng lại không thể sống ở đó. Chúng ta luôn phải trở về ngoại biên, băng qua đường xe lửa, về lại những ngôi nhà tồi tàn, bị bỏ hoang bên rìa thị trấn.

 Có những thứ luật lệ để bảo đảm việc trở về của chúng ta. Không trở về tức là có nguy cơ bị trừng phạt. Sống như chúng ta – tức sống bên lề – chúng ta hình thành một cách nhìn đặc thù về hiện thực. Chúng ta vừa nhìn  từ bên ngoài vào bên trong, lại vừa từ bên trong nhìn ra bên ngoài. Chúng ta tập trung sự chú ý của mình vào nơi trung tâm cũng như vào cả phần ngoại vi. Chúng ta hiểu cả hai. Cách nhìn này gợi chúng nghĩ đến sự tồn tại của một vũ trụ toàn vẹn, một cái toàn thể được cấu thành bởi cả cái trung tâm lẫn cái ngoại vi. Sự sống còn của chúng ta phụ thuộc vào một nhận thức công khai luôn vận động của ta về sự chia tách của cái ngoại vi và cái trung tâm cũng như sự nhận thức cá nhân luôn vận động của chúng ta, rằng ta là cái bộ phận tất yếu, năng động của cái toàn thể.

 Cảm quan về cái toàn thể, vốn áp đặt lên ý thức của chúng ta bằng cấu trúc của đời sống thường nhật mà ta đang sống, cung cấp cho chúng ta một thế giới quan đối lập – một cách nhìn thế giới mà những kẻ đàn áp chúng ta không biết tới, chính nó đã duy trì chúng ta, đã trợ giúp chúng ta trong cuộc đấu tranh để vượt qua đói nghèo và tuyệt vọng, củng cố cảm quan về bản ngã cũng như sự đoàn kết của chúng ta.

Dẫu vẫn chưa hoàn thành nhưng khi viết ra những nhận định này, tôi muốn xác định không gian ngoại vi còn có ý nghĩa nhiều hơn một không gian của thân phận bị tước đoạt. Trên thực tế, tôi muốn nói điều ngược lại: đấy còn là nơi của những khả năng đột phá quyết liệt, một không gian của sự kháng cự. Tôi muốn gọi cái không gian ngoại vi này như một địa điểm trung tâm để tạo sinh một thứ diễn ngôn phản bá quyền vốn không chỉ được nhìn thấy ở ngôn từ mà còn ở thói quen và cách mà người ta sống. Chiếu theo cách hiểu vốn phổ biến thì ở đây tôi không muốn nói đến một thứ ngoại vi như mà người ta muốn rũ bỏ, khước từ hoặc chấp nhận nhượng bộ như một phần động thái của việc dịch vào trung tâm; đúng hơn, đó lại là nơi mà người ta ở đó, thậm chí, còn muốn giữ chặt, vì nó nuôi dưỡng khả năng kháng cự của người ta. Nó đem đến khả năng của một góc nhìn cấp tiến mà từ đó người ta có thể thấy và sáng tạo, tưởng tượng nên những sự phá cách, những thế giới mới.

Đây không phải là một quan niệm thần bí về tính ngoại vi. Nó đến từ chính kinh nghiệm sống. Tuy nhiên, điều tôi muốn nói ở đây là ý nghĩa của cuộc đấu tranh nhằm duy trì tính ngoại vi này ngay cả khi người ta làm việc, sản xuất, sống – nếu họ muốn – ở trung tâm. Giờ đây, tôi không còn sống trong cái thế giới bị cô lập bên đường xe lửa nữa. Điều có ý nghĩa trung tâm trong đời sống nơi thế giới ấy là ý thức không ngừng về tính cấp thiết của sự đối lập. Khi Bob Marley hát, “Chúng tôi chối từ làm kẻ mà các người muốn chúng tôi trở thành, chúng tôi là chúng tôi, và trong tương lai thì cũng vẫn như thế,” thì không gian của sự chối từ, nơi người ta có thể nói “không” với kẻ thực dân, với kẻ áp bức, được đặt ở bên lề. Và người ta chỉ có thể nói “không”, nói với cái giọng nói phản kháng kia bởi vì có sự tồn tại của một thứ ngôn ngữ đối lập. Tuy có nhiều điểm giống với ngôn ngữ của kẻ thực dân song nó cũng phải trải qua sự biến đổi. Nó đã bị thay đổi như một tình thế không thể khác được. Khi tôi rời không gian cụ thể ở bên lề, tôi luôn giữ trong mình cách nhìn hiện thực vốn không ngừng khẳng định không những tầm quan trọng của sự kháng cự mà còn cả tính tất yếu của sự kháng cự được duy trì bởi ký ức về quá khứ, trong đó bao hàm cả sự hồi tưởng về những tiếng nói từng bị coi thường, bị phá vỡ. Sự kháng cự này trao cho chúng ta những cách cất lời để giải thực dân nhận thức của chúng ta, sự sống của chính chúng ta. Có một lần, mẹ tôi tâm sự với tôi khi tôi lại chuẩn bị để vào học ở trường đại học vốn chủ yếu dành cho dân da trắng, “Con có thể nhận những gì mà người da trắng phải dành cho con song con không nhất thiết phải yêu họ.” Giờ đây, khi hiểu mã văn hóa ẩn chím trong lời của mẹ, tôi hiểu bà không dạy tôi đừng yêu thương những kẻ khác chủng tộc với mình. Bà đã nói đến sự thực dân hóa và thực tế của những gì được dạy trong một nền văn hóa có sự thống trị bởi những kẻ cai trị. Bà đã nhấn mạnh đến quyền năng của tôi trong việc có thể tách tri thức hữu ích mà tôi có thể thu nhận được từ nhóm thống trị với việc chấp nhận những hiểu biết áp đặt sẽ dẫn đến việc mình bị họ coi như kẻ xa lạ, làm cho trở nên tha hóa, và tệ hơn nữa, bị họ đồng hóa và thu phục. Mẹ tôi nói tôi không cần thiết phải giao nộp bản thân mình cho họ để học. Dù không ở trong những thiết chế ấy, mẹ tôi vẫn hiểu tôi sẽ phải đối mặt liên tục với những tình huống mà tôi bị người ta “thử”, làm cho mình có cảm giác như thể đấy là yêu cầu từ cái trung tâm để xem tôi có thể được chấp nhận hay không, và đấy sẽ là điều kiện để tôi được tham gia vào cái hệ thống trao đổi sẽ đảm bảo cho thành công của tôi, cho “việc tôi có thể làm được”. Mẹ đã nhắc tôi về sự cần thiết của ý thức đối lập, đồng thời khích lệ tôi không từ bỏ quan điểm triệt để được hình thành và nhạo nặn bởi vị trí bên lề.

Sự hiểu thấu về vị trí bên lề như là lập trường và không gian của sự kháng cự là điều đặc biệt quan trọng đối với những người bị áp bức, bóc lột, chịu ách thực dân. Nếu ta chỉ nhìn “lề” như một ký hiệu, đánh dấu hoàn cảnh khổ đau và bị tước đoạt của chúng ta, thì một nỗi vô vọng, tuyệt vọng, một thứ hư vô chủ nghĩa sâu sắc sẽ xuyên thấm vào chính nền tảng của sự tồn tại của chúng ta theo một cách thức hủy hoại. Chính ở đó, trong không gian của sự tuyệt vọng tập thể, sự sáng tạo, sức tưởng tượng của con người bị lâm nguy, nhận thức của con người sẽ bị thực dân hóa trọn vẹn, thứ tự do mà con người mong mỏi sẽ bị đánh mất. Thực sự, cái ý thức kháng cự lại sự thực dân hóa luôn đấu tranh cho sự tự do biểu hiện. Cuộc đấu tranh ấy, thậm chí, có thể không bắt đầu với kẻ thực dân mà bắt đầu ngay từ bên trong không gian bị cô lập của cộng đồng và gia đình của mỗi người. Tôi muốn lưu ý rằng tôi không cố gắng khắc họa lại một cách lãng mạn ý niệm về không gian ngoại vi, nơi những kẻ bị đàn áp sống tách khỏi những những kẻ áp bức mình, như một không gian “thuần khiết”. Tôi muốn nói rằng những không gian ngoại vi này một mặt, vữa có tính chất của một không gian trấn áp, mặt khác, vừa có tính chất của một không gian phản kháng. Và vì chúng ta có thể dễ gọi được bản chất của sự trấn áp nên chúng ta thường hiểu ngoại vi như là không gian của sự tước đoạt. Chúng ta thường im lặng hơn khi nói ngoại vi như là không gian của sự kháng cự. Chúng ta thường bị buộc phải im lặng khi cần phải nói về ngoại vi như không gian của sự kháng cự.

Bị im lặng. Trong suốt thời sinh viên, tôi nghe thấy chính mình thường nói bằng giọng phản kháng. Tôi không thể nói lời nói của tôi được đón nhận. Tôi không thể nói lời nói của tôi đã được nghe theo hướng nó có thể điều chỉnh mối quan hệ giữa kẻ thực dân và kẻ chịu sự áp bức thực dân. Tuy nhiên, điều mà tôi nhận ra là  những học giả, đặc biệt nhất là những người tự xem mình là những nhà tư tưởng phê phán cấp tiến, giờ lại đang tham gia hết mình vào sự kiến tạo một diễn ngôn về Cái/Kẻ Khác. Tôi bị coi là “kẻ khác” ngay trong không gian cùng với họ. Trong cái không gian bên lề, trong cái thế giới bị cách ly của quá khứ và hiện tại của mình, tôi không phải là kẻ khác. Họ không gặp tôi ở đó, trong không gian ấy. Họ gặp tôi ở trung tâm. Họ chào đón tôi trong tư thế của những kẻ thực dân. Tôi đợi để được học từ họ con đường phản kháng, để hiểu làm thế nào mà họ có thể từ bỏ quyền lực để hành động như những kẻ thực dân. Tôi đợi việc họ sẽ làm chứng, trình bày những chứng ước. Họ nói diễn ngôn  về ngoại vi, về sự khác biệt giờ đã nằm ngoài cuộc thảo luận giữa chúng tôi và họ. Họ không nói động hướng này đã xảy ra như thế nào. Đây là một phản ứng từ vị trí được ý thức rất triệt để của địa vị ngoại vi của tôi. Đó là một không gian kháng cự. Là không gian tôi lựa chọn.

Tôi đợi họ ngừng nói về “cái/kẻ khác”, thậm chí, thôi nói về tầm quan trọng của việc có thể nói về sự khác biệt. Quan trọng không phải ở chỗ chúng ta nói về cái gì, mà nói như thế nào và tại sao nói. Thường thì thứ lời nói về kẻ khác này cũng là một mặt nạ, một cách nói chuyện trấn áp che giấu những khoảng trống, những sự khuyết diện, chế giấu đi không gian của ngôn từ chúng ta, nếu chúng ta nói, nếu chúng ta im lặng, nếu chúng ta ở đó. Chữ “chúng ta” ở đây là thứ “chúng ta” ở bên lề, thứ “chúng ta” nơi không gian ngoại vi: đó không phải là địa điểm của sự thống trị mà là nơi kháng cự. Hãy bước vào không gian ấy. Thường thì thứ lời nói về “cái/kẻ khác” này thủ tiêu, xóa bỏ. Không cần phải nghe giọng nói của chị khi tôi có thể nói về chị tốt hơn chính chị nói về bản thân mình. Không cần phải nghe giọng nói của chị. Chỉ cần kể cho tôi nỗi đau của chị. Tôi muốn biết câu chuyện của chị. Và rồi tôi sẽ kể lại nó cho chị theo một cách thức mới. Tôi sẽ kể lại nó cho chị theo một cách mà câu chuyện ấy sẽ là của tôi, của riêng tôi. Viết lại chị thì đồng thời tôi cũng viết lại bản thân tôi, theo kiểu để làm mới chính tôi. Tôi vẫn là tác giả, tôi có thẩm quyền. Tôi vẫn là kẻ thực dân, chủ thể nói và chị, bây giờ, là trọng tâm của lời nói của tôi. Chúng tôi chào đón bạn như những kẻ giải phóng. Chữ “chúng tôi” ở đây là thứ chúng tôi ở bên lề, là thứ chúng tôi nơi không gian ngoại vi: đó không phải là địa điểm của sự thống trị mà là nơi kháng cự. Hãy bước vào không gian ấy. Đây là một sự can thiệp. Tôi đang viết cho bạn. Tôi đang nói từ một nơi ngoại vi nơi tôi là kẻ khác biệt – nơi tôi nhìn mọi thứ khác biệt. Nói từ bên lề. Nói với ý thức kháng cự. Tôi mở một cuốn sách. Trên bìa sau cuốn sách là dòng chữ “ĐỪNG BAO GIỜ Ở TRONG BÓNG NỮA”, một cuốn sách gợi ra khả năng của sự cất lời như những kẻ giải phóng. Chỉ những người lên tiếng và im lặng. Chỉ những người đứng trong những cái bóng – bóng của khung cửa, không gian nơi hình ảnh phụ nữ da đen được thể hiện như những kẻ không có tiếng nói, không gian nơi ngôn từ của chúng ta chỉ được viện đến để phục vụ và ủng hộ, không gian của sự vắng mặt của chính chúng ta. Những có những vọng âm nho nhỏ của sự phản kháng. Chúng ta được viết lại. Chúng ta là “kẻ khác”. Chúng ta là ngoại vi. Ai đang nói và nói với ai. Nơi nào ta dịnh vị chúng ta và những đồng chí của mình.

Bị im lặng.  Chúng ta sợ những kẻ nói về chúng ta những kẻ không nói với chúng ta cùng chúng ta. Chúng ta hiểu bị buộc phải im lặng là như thế nào. Chúng ta hiểu những sức mạnh bắt ta câm lặng vì chúng không bao giờ muốn chúng ta lên tiếng, muốn chúng ta khác với những sức mạnh bảo rằng: Nào, nói đi, kể cho tôi nghe câu chuyện của bạn. Chỉ có điều đừng nói bằng giọng kháng cự. Chỉ được nói từ không gian bên lề được hiểu như một ký hiệu về sự bị tước đoạt, như một vết thương, một mong mỏi không được thực hiện. Chỉ được nói nỗi đau của bạn.

Đây là một sự can thiệp. Một thông điệp từ không gian ngoại vi là địa điểm của sự sáng tạo và quyền năng, là không gian bao chứa nơi chúng ta phục hồi bản ngã của mình, nơi chúng ta chuyển động trong sự đoàn kết để xóa bỏ cặp đối lập kẻ bị thực dân hóa/kẻ thực dân. Ngoại vi như là không gian kháng cự.

Hãy bước vào không gian ấy. Gặp chúng tôi ở đó. Hãy bước vào không gian ấy. Xin chào đón bạn như những người giải phóng.

Hải Ngọc dịch. Nguồn: bell hooks, “Marginality As a Site of Resistance” in Out There: Marginalization and Contemporary Cultures, ed. by Russell Ferguson, Martha Gever, Trinh T. Minh-ha, Cornel West,  The MIT Press 1992, p.341-3.

Chú thích:

*Bút danh của Gloria Jean Watkins, học giả Mỹ

Nguồn: Báo Văn nghệ Trẻ số 4- 2013.