Mở miệng, Nhã Thuyên, phê bình chỉnh huấn

Mở Miệng, Nhã Thuyên, phê bình chỉnh huấn

MAI ANH TUẤN

11 Tháng 7

1. Những sáng tác của Mở Miệng, trong suy nghĩ của tôi, vẫn là một sản phẩm/hiện tượng văn chương cần/đáng nghiên cứu. Và trên thực tế, đã có những nghiên cứu về họ, chẳng hạn, của Nguyễn Hưng Quốc, hay của Đoàn Cầm Thi, hai nhà phê bình hải ngoại đã/đang nổi danh. Đánh giá Mở Miệng ở lối viết hậu hiện đại, phần nào so sánh Mở Miệng với hoạt động của các nhà thơ Tân hình thức, phê bình hải ngoại bộc lộ niềm vui và niềm tin thầm kín của mình. Bởi họ, từ chủ trương cộng hoà văn chương, xiển dương tự do sáng tạo và cái mới, đã tìm thấy ở Mở Miệng, ít nhất là một thực tế thi ca, một không gian, một văn bản văn hóa có thể làm khẩu hiệu chính đáng và chính xác.

Vẫn trong suy nghĩ của tôi, đã nghiên cứu thực sự, thì ngay đến một câu chửi được vang lên trong văn bản mà nhiều cảnh binh đạo đức bịt mũi hoặc la hoắng lên, vẫn buộc người nghiên cứu xem xét thấu đáo. Tôi không rỗi hơi để bàn luận thực tế phê bình văn học hiện nay là phê bình nghiệp dư hay chuyên nghiệp, phê bình hàn lâm hay phê bình truyền thông… Tôi cũng không đủ tự tin và năng lực để xếp các văn bản phê bình đang ùn ùn từng ngày thuộc về kiểu/trường phái/mô hình phê bình gì. Nhưng có nhận xét này là của tôi: rất hiếm văn bản phê bình/nhà phê bình (dám/có khả năng) đặt ra và giải quyết thấu đáo một vấn đề của/thuộc văn chương. Chỉ một vấn đề thôi, cũng rất hiếm. Bởi thế, nói ví dụ, vài câu chửi tục hay cục phân, hay cái lờ, con cờ…trong văn học vẫn cứ chình ình ra đó, mặc cho các cảnh binh văn nghệ liên tục bịt mũi, la ó, bất lực kết tội hay đau khổ làm ngơ.

Khi nghiên cứu Mở Miệng và dòng thơ ngoài lề, Nhã Thuyên đã đặt ra và giải quyết, dù triệt để hay chưa, một số vấn đề thực sự của thơ ca trong bối cảnh văn chương văn hóa Việt Nam đương đại. Điều đó không có nhiều ở mức độ một luận văn thạc sĩ vốn là thứ đang xếp dày cả đống ngoài hiệu photocopy chờ may mắn được tái sử dụng hoặc đang được rao bán chỏng chơ trên mạng.

2. Tôi khâm phục sự sắc sảo của nhà văn Phạm Thị Hoài khi thâu tóm và bình luận những bài báo được coi là phê phán không chỉ luận văn của Nhã Thuyên (http://www.procontra.asia/?p=2703). Nhưng tôi không vội lạc quan khi cho rằng, chúng, với tất cả những biểu hiện sống mái, là “cú giãy cuối cùng của nền phê bình chỉnh huấn”. Trong hiện tại và nhiều thời điểm kế tiếp, đa số các thương vụ chia phần roi vọt văn nghệ/tư tưởng đều có ngay phê bình chỉnh huấn giành lấy cơ hội để chứng tỏ toàn bộ tính cách liều mạng và càn bừa của mình. Dĩ nhiên, sau bao nhiêu lần dùng mãi bí kíp tự nổ súng vào tai ấy, tôi thấy họ đã trở nên cũ kĩ, lẩn thẩn, thảm hại với chừng ấy mục đích và phương tiện. Có lẽ ngay cả họ cũng nhận ra tình trạng bất lực nhích thêm một vài xăng-ti mới mẻ cho dù đã có những liều doping được bơm vào một cách khác đi.

3. Và cuối cùng, đây cũng là nhận xét của tôi: những nhà văn/nhà thơ hay những nhà nghiên cứu bị phê bình chỉnh huấn liệt vào đủ các tội mà tôi từng gặp, tôi đều nhận thấy họ có phong thái rất lịch thiệp, hồn nhiên, nhiều ưu tư và đầy nhân ái với/về đời sống. Đây là điểm mà tôi chắc rằng những nhà phê bình chỉnh huấn không bao giờ nghĩ tới và lí giải được. Bởi thế, tôi có quyền tự vệ và dành tặng sự tao nhã cho những ai đọc bài này bằng cách không bao giờ trích dẫn lại đây những lời lẽ mà phê bình chỉnh huấn đang dùng.