Trần Việt Kỉnh lặng thầm một nỗi đam mê

TRẦN VIỆT KỈNH

LẶNG THẦM MỘT NỖI ĐAM MÊ

 

Nhà văn NGUYỄN MINH NGỌC

 

 

          Những năm đầu thập niên 80, khi bắt đầu tập tẹ làm thơ, tôi có dịp tiếp xúc và làm quen với nhiều anh chị em văn nghệ sĩ ở Nha Trang. Trong số ấy có cặp vợ chồng nhà thơ Lê Khánh Mai – Trần Việt Kỉnh. Bấy giờ, cả hai anh chị đều là những nhà giáo đầy tâm huyết và rất say văn chương. Sáng tác của họ xuất hiện khá đều đặn trên tờ Tạp chí Văn Nghệ Phú Khánh, nhanh chóng trở nên quen thuộc với bạn đọc trong và ngoài tỉnh. Thời điểm ấy, Trần Việt Kỉnh được biết đến như một cây bút thơ có nhiều triển vọng, dù sở trường của anh vẫn là sưu tầm và nghiên cứu văn hoá dân gian. Cuối năm 1985, khi  Hội VHNT Phú Khánh ra đời, Trần Việt Kỉnh là một trong những “hội viên sáng lập”, có những đóng góp tích cực vào phong trào hoạt động văn học của địa phương.

          Trần Việt Kỉnh cầm tinh con hổ (1950), quê ở Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế. Sinh ra trên thành phố Huế ngày 1 tháng 8 năm 1950, lên 4 tuổi anh đã theo ba má tập kết ra Bắc. Tuổi thơ anh gắn liền với vùng đất giáp ranh giới tuyến quân sự tạm thời. Những năm tháng theo học các trường phổ thông ở Vĩnh Linh đầy gian khó, đã để lại những kỷ niệm không phai mờ trong ký ức của anh. Sau này, Trần Việt Kinh bồi hồi nhớ lại:

Giờ thủ công chẳng có màu

Gạch non làm đỏ, lá trầu làm xanh

Bút lá tre viết nhanh nhanh

Nét đậm, nét nhạt đã thành đời tôi

Sông quê bên lở, bên bồi

Cơm quê gói bở giấy trời – mo cau

          (Bút lá tre – báo Văn nghệ Trẻ số 27, ngày 7-7-2002)

          Khi giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, từ miền đất lửa Vĩnh Linh, Trần Việt Kỉnh cùng bạn bè, theo kế hoạch K8 của Chính phủ, đã đi sơ tán ra huyện Tân Kỳ – miền tây Nghệ An để tiếp tục học tập. Năm 1970, anh vào học khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm I Hà Nội.

          Giống như bao chàng sinh viên khoa văn hào hoa thời ấy, Trần Việt Kỉnh bắt đầu đến với nàng thơ của “Câu lạc bộ thơ sinh viên khoa ngữ văn”. Những vần thơ sinh viên cũng tựa như mối tình đầu đắm say nhưng đầy vụng dại. Đang học năm thứ hai thì cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đến hồi gay go, ác liệt. Có lệnh tổng động viên. Trần Việt Kỉnh cùng bạn bè hăng hái “xếp bút nghiên” lên đường cầm súng bảo vệ tổ quốc giữa “mùa hè đỏ lửa” năm 1972. Trong số sinh viên cùng nhập ngũ còn có Vũ Đình Văn, một nhà thơ đầy triển vọng, từng đoạt giải cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ (về sau Vũ Đình Văn đã hy sinh).

          Thời ấy, những người lính có trình độ văn hoá cao đều được đưa về Phòng không – Không quân, một binh chủng kỹ thuật còn non trẻ của quân đội ta. Quãng đời làm pháo thủ đã tôi luyện chàng sinh viên thành một người lính dày dạn, đầy bản lĩnh.

          Hết chiến tranh, Trần Việt Kinh trở lại mái trường đại học. Năm 1978, sau khi tốt nghiệp, anh được điều về Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, giảng dạy bộ môn văn học dân gian. Dường như ngay từ đầu, mảnh đất ngập tràn gió nắng đã choán ngợp hồn anh, bởi đây chính là quê hương của nhà thơ Lê Khánh Mai – vợ anh, và mảnh đất này đã thành quê hương thứ hai của anh.

          Quả thật, một thời gian khá dài, Khánh Hoà vẫn là vùng trắng về sưu tầm, nghiên cứu vốn văn hoá dân gian. Điều này không tương xứng với tiềm năng của một vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển trên 300 năm. Đó chính là điều Trần Việt Kỉnh day dứt, trăn trở.

          Ngoài công việc trên bục giảng, những chuyến đi tham quan rồi đưa sinh viên đi thực tập đã thực sự cuốn hút tâm trí anh. Giống như người phát hiện ra cái kho báu trong gia tài văn hoá dân gian đồ sộ, Trần Việt Kỉnh say sưa nghiên cứu. Tới bất kỳ vùng quê nào, anh cũng chăm chú tìm hiểu và ghi chép tỉ mỉ từng câu chuyện cổ; gom nhặt từng câu ca dao, câu hát dân gian. Là người chịu đi, anh thông thuộc địa hình, địa vật và đặc biệt am tường phong tục tập quán nhiều nơi. Chính vì lẻ đó mà nhà sử học Trần Quốc Vượng mỗi lần đến Khánh Hoà chỉ xin được nhờ “thổ công” Trần Việt Kỉnh đưa đi điền dã.

          Có thể coi cuốn sách Thơ ca dân gian Phú Khánh” như một cái mốc trên con đường đầy gian khó của người “đãi cát tìm vàng”. Sau công trình này, Trần Việt Kỉnh cùng Hà Nam Tiến nhiều lần đi về các huyện miền núi và xa hơn, lên tận Tây Nguyên để sưu tầm các bản trường ca. Nhờ những cố gắng không biết mệt mỏi mà “gia tài” của anh ngày một trở nên giàu có và phong phú.

          Công việc của người sưu tầm nghiên cứu thật không đơn giản chút nào khi mà điều kiện kinh phí còn rất eo hẹp. Nếu không có niềm đam mê và ngọn lửa nhiệt tình thôi thúc thì khó có thể theo đuổi được công việc âm thầm nặng nhọc này.

          Từ khi chuyển về công tác ở Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố Nha Trang, Trần Việt Kỉnh càng có điều kiện để chuyên tâm với nghiệp sưu tầm nghiên cứu. Suốt 25 năm gắn bó với mảnh đất Khánh Hoà, anh đã có những đóng góp rất đáng ghi nhận. ngoài công trình Văn học dân gian Khánh Hoà – nét đặc trưng khá đồ sộ đang chờ điều kiện để công bố, bản thảo ‘Đình làng Nha Trang” được Hội Vặn nghệ dân gian Việt Nam trao giải thưởng năm 1997. Đây là những tư liệu hết sức quý giá về 33 ngôi đình ở thành phố biển mà anh đã dày công khảo sát, tra cứu. Công trình sưu tầm nghiên cứu và chú thích Thơ ca dân gian trữ tình nam Trung bộ” đã được anh soạn thảo cách đây 12 năm với phần chú thích dày dặn, chính xác, chứng tỏ Trần Việt Kỉnh đã rất am tường vùng đất duyên hải Nam Trung bộ này. Tác phẩm đã được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam trao giải thưởng vào năm 2000. Ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ của một công chức nhà nước, Trần Việt Kỉnh vẫn chuyên tâm cho những công trình nghiên cứu khoa học hàng năm để gửi ra cho Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, nơi anh đã được kết nạp vào Hội và gắn bó suốt nhiều năm qua, anh đã được học hỏi khá nhiều với những nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Việt Nam cự phách như Giáo sư Trần Quốc Vượng, Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh, Phó giáo sư – Tiến sĩ Đặng Văn Lung, Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Xuân Kính…Là Chi hội trưởng Hội văn nghệ Dân gian Việt Nam tại Khánh Hoà, Trần Việt Kỉnh luôn động viên anh em hội viên trong Chi hội tích cực sưu tầm nghiên cứu văn hoá dân gian địa phương. Tất cả những quả nghiên cứu sưu tầm của anh chị em trong Chi hội đã được tập hợp trong tập sách “Khánh mạo văn hóa một vùng đất”  ra đều đặn mỗi năm một số. Việc in ấn những đầu sách này do Sở VHTT và Bảo tàng Khánh Hoà giúp đỡ tận tình. Đây  là niềm vui của Chi hội VNDG, trong đó có anh…

          Tuy nhiên, nói đến Nha Trang, Khánh Hoà thì không thể không nhắc đến cuốn sách “Nữ thần Ponagar” của nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Trần Việt Kỉnh, cuốn sách này đã được dịch giả – nhà nghiên cứu Văn hoá Dân gian người Nhật bản là ông Honda Mamoru dịch sang tiếng Nhật và in với số lượng lớn, trình bày rất đẹp và trang trọng.

          Có thể nói rằng, thông qua những công trình nghiên cứu của anh, diện mạo văn hoá của vùng đất Khánh Hoà hiện lên khá đầy đủ. Với những cống hiến đó, Trần Việt Kỉnh đã được nhận giải thưởng VHNT Khánh Hoà 25 năm (1975 – 2000), và được Hội văn nghệ Dân gian Việt Nam tặng Huy chương “Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam”.

          Mặc dù đã có những thành tựu đáng nể trong lĩnh vực sưu tầm nghiên cứu văn hoá dân gian, nhưng Trần Việt Kỉnh vẫn không quên “nàng thơ”. Mạch thơ của anh vẫn âm thầm tuôn chảy dạt dào trong tập thơ mang tựa đề Lửa và đất. Xin có lời chúc mừng anh.

 

N.M.N